Đụng độ khiến Kosovo phải hoãn kế hoạch buộc người Serbia đăng ký biển số xe
Chuyển động - Ngày đăng : 15:45, 01/08/2022
14 năm sau khi Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, khoảng 50.000 người Serbia sống ở miền bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số xe và các loại giấy tờ tùy thân do chính quyền Serbia cấp, và từ chối công nhận các cơ quan chính quyền Kosovo ở thủ đô Pristina.
Chính phủ Thủ tướng Albin Kurti của Kosovo đã tuyên bố sẽ cho người Serbia 60 ngày để xin cấp biển số xe do Kosovo cấp, 1 năm sau khi phải bỏ kế hoạch này cũng vì bị phản đối.
Chính phủ Kosovo cũng quyết định từ ngày 1.8, tất cả các công dân Serbia đến Kosovo cũng phải xin giấy phép nhập cảnh ở cửa khẩu biên phòng Kosovo.
Trong khi đó, chính quyền Serbia cũng đòi người Kosovo qua Serbia cũng phải có giấy phép nhập cảnh tương tự.
Nhưng tiếp sau những căng thẳng vào tối 31.7 và sau khi lấy ý kiến của các sứ quán các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, chính quyền Kosovo tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch xin cấp biển số xe trong 1 tháng, và bắt đầu áp dụng từ ngày 1.9 tới.
Ủy viên đối ngoại EU Joseph Borell hoan nghênh quyết định của Kosovo, và ông kêu gọi người phản đối Serbia dỡ bỏ lập tức việc chặn đường.
Người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích căng thẳng gia tăng là do “những quy định mang tính kỳ thị và không có cơ sở” của chính quyền Kosovo.
Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo (KFOR) do NATO dẫn đầu đã ra tuyên bố “tình hình an ninh chung ở các cụm dân cư ở miền bắc Kosovo đang căng thẳng”, và lực lượng sẵn sàng can thiệp “sử dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì một môi trường an toàn và an ninh thường xuyên ở Kosovo”.
KFOR có 3.770 quân bảo vệ hòa bình ở Kosovo. Lực lượng kêu gọi hai nước tiếp tục đối thoại.
Reuters ngày 1.8 đưa tin, người Serbia vào ngày 31.7 đã phản đối kế hoạch của Kosovo. Họ dùng xe tải chở gạch đá cùng các máy móc nặng để chặn các tuyến đường dẫn đến hai cửa khẩu biên phòng Jarinje và Bernjak, một khu vực mà dân Serbia chiếm đa số.
Cảnh sát Kosovo cho biết họ đã phải đóng hai cửa khẩu biên phòng này.
Trước đó, vào sáng 31.7, cảnh sát Kosovo nói đã có những phát súng “nhắm vào các đơn vị cảnh sát nhưng may mắn không ai bị thương”. Họ còn cho biết nhiều nhóm người phản đối giận dữ đã đánh đập nhiều người Albania đang đi trên các con đường bị ngăn chặn, vài chiếc xe bị tấn công.
Tiếng còi báo động đã vang lên suốt hơn 3 giờ ở thị trấn Bắc Mitrovica - vốn có nhiều người Serbia sống.
Căng thẳng giữa Serbia với Kosovo vẫn cao. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói tình hình ở Kosovo “chưa bao giờ phức tạp hơn” đối với người Serbia, và ông cảnh cáo “Serbia sẽ thắng” nếu người Serbia bị tấn công”.
Thủ tướng Kurti của Kosovo cáo buộc ông Vucic “mồi lửa gây rối”.
Một năm trước, sau khi nhiều người Serbia cũng chặn đường để phản đối kế hoạch cấp biển số xe, chính quyền Kosovo triển khai các lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, và Serbia liền cho các chiến đấu cơ đến vùng biên giới.
Hồi 2013, Kosovo cùng Serbia đã có một cuộc đối thoại do EU bảo trợ, nhằm giải quyết những bất đồng chính, nhưng không đạt được nhiều tiến bộ.
Kosovo được hơn 100 quốc gia công nhận là một quốc gia độc lập, nhưng không được Nga và Serbia công nhận. Hồi tháng 7, Kosovo nói sẽ chính thức đăng ký gia nhập EU từ cuối năm 2022.