Máy cắt lục bình dưới kênh rạch, giải pháp hiệu quả cần nhân rộng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 21:05, 01/08/2022
Trước đây, để xử lý tình trạng cây lục bình ngày càng dày đặc dưới hệ thống kênh, rạch, chính quyền cùng người dân tỉnh Tiền Giang thường huy động nhân công xuống dòng nước trục vớt từng bụi lục bình, thậm chí phun thuốc diệt cỏ làm chết hàng loạt cây này. Giải pháp này vừa tốn nhân công lao động, tăng chi phí, gây ô nhiễm nguồn nước, có hại cho sức khỏe cộng đồng.
Trước thực trạng này, Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang đã phối hợp với Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại - dịch vụ Tấn Dũng lắp đặt thành công 2 chiếc thuyền máy cắt lục bình.
Cụ thể trên mỗi thuyền có lắp đặt 2 động cơ chạy bằng dầu dieszel để vận hành máy cắt, di chuyển thuyền trên mặt nước. Khi bộ phận cắt chạm vào bụi lục bình sẽ băm nát cây lục bình làm cho cây này không thể tái sinh.
Thuyền cắt lục bình chỉ cần 3-4 lao động để điều khiển phương tiện di chuyển và máy cắt lục bình. Tùy theo mật độ cây lục bình, mỗi ngày máy cắt có thể tiêu diệt từ 5.000-6.000 m2 lục bình trên mặt nước, chi phí giảm 7-8 lần so với vớt lục bình bằng phương pháp thủ công.
Thời gian qua, 2 thuyền cắt lục bình hoạt động trên 6 tuyến kênh trục chính của vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Nhờ máy cắt lục bình đã tạo dòng nước thông thoáng, trong lành phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn người dân các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công.
Nhận xét về ưu điểm của máy cắt lục bình, ông Đỗ Thành Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang, cho biết việc đầu tư máy cắt lục bình đã đem lại nhiều lợi ích. Nó giúp cho công nhân làm việc vớt lục bình giảm đi khó khăn, vất vả.
"Anh em chỉ cần đứng trên thuyền để điều khiển máy cắt. Khối lượng lục bình được máy cắt dọn dẹp hằng ngày rất nhiều. Nếu làm thủ công thì tuyến kênh 1 km phải huy động 40-50 lao động làm trong 3, 4 ngày. Trong khi đó, máy cắt chỉ cắt 1-2 ngày là xong. Máy cắt lục bình hoạt động khi trời mưa, gió vẫn được và mô hình này có thể nhân rộng nhiều nơi", ông Sơn nói.
Được biết chiếc thuyền máy cắt lục bình ở tỉnh Tiền Giang có kết cấu đơn giản, quan trọng nhất là động cơ phải phù hợp với thuyền để hoạt động nhịp nhàng, cắt lục bình nhanh nhất.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại - dịch vụ Tấn Dũng cho biết, mô hình dùng thuyền máy cắt lục bình dưới kênh rạch có thể áp dụng cho các địa phương vùng sông nước. Chi phí mỗi phương tiện chỉ từ 100-200 triệu đồng (tùy loại).
Ông Nguyễn Tấn Dũng Tâm sự: “Trước đến nay tôi mới làm cái máy này, mày mò làm thôi chứ chưa có kinh nghiệm. Trước đây tôi làm máy hơi nhỏ chặt lục bình không nổi, nay đổi máy lớn hơn rất đơn giản, nó chặt lục bình nhanh gấp 20 lần so với trục vớt thủ công. Ở dưới sông nhiều khi có cây cối, lá dừa xanh máy không chặt đứt nổi mình phải dùng thủ công vớt lên”.
"Sau khi máy cắt đi qua, người nông dân có thể vớt phần thân và lá xanh để dùng trong chăn nuôi. Thân rễ lục bình sẽ phân hủy trong 5-10 ngày và lắng xuống lòng kênh rạch, không lo gây ô nhiễm môi trường", ông Dũng nói.
Cũng như các địa phương khác ở vùng ĐBSCL, hiện nay địa bàn tỉnh Tiền Giang cây lục bình mọc dày đặc. Chỉ tính trên 1.100 km kênh trục chính ở 11 huyện, thành, thị trong tỉnh đã có khoảng 70% diện tích kênh rạch có cây lục bình cần phải trục vớt. Ngoài ra, trong hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 cây lục bình như trở thành vấn nạn. Do đó, giải pháp sử dụng cơ giới hóa như thuyền máy cắt lục bình ở Tiền Giang rất cần thiết và cần nhân rộng.