Trung Quốc có thể phản ứng với bà Pelosi bằng cuộc chiến với Đài Loan tại Biển Đông
Góc nhìn - Ngày đăng : 17:37, 02/08/2022
Trong một cuộc điện đàm vào tuần trước Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden rằng "bất cứ ai nghịch lửa sẽ bị cháy" khi đề cập đến Đài Loan, nơi mà Trung Quốc coi là lãnh thổ không thể tách rời. Trong buổi họp báo ngày 1.8 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nhắc lại: “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên” nếu bà Pelosi trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong vòng 25 năm qua.
Theo Bloomberg, cả ông Tập và ông Biden đều không muốn gây ra một cuộc xung đột có thể gây thiệt hại lớn với nền kinh tế trong nước và cuộc điện đàm vào tuần trước cho thấy họ đang chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp trong những tháng tới.
Nhưng lời khẩu chiến gay gắt và sự thù địch ngày càng gia tăng ở cả hai nước càng làm tăng thêm áp lực buộc ông Tập phải có phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là khi Trung Quốc sắp có những sự kiện trọng đại trong năm nay.
Trong khi Mỹ hủy bỏ hiệp ước phòng thủ chung với Đài Loan vào năm 1979, Trung Quốc phải cân nhắc khả năng quân đội Mỹ sẽ quay trở lại. Tổng thống Biden hồi tháng 5 nói rằng Washington sẽ bảo vệ Đài Loan trong bất kỳ cuộc tấn công nào từ Trung Quốc, mặc dù Nhà Trắng giải thích sau đó rằng ý ông Biden muốn nói chỉ là Mỹ sẽ cung cấp vũ khí quân sự phù hợp với các thỏa thuận hiện hành.
Andrew Gilholm, giám đốc phân tích Trung Quốc và Bắc Á tại Control Risks, cho biết trên Bloomberg TV: “Hạn chế lớn đối với cả hai bên vẫn là nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mà sẽ quá tốn kém cho cả 2 bên”. Tuy nhiên, ông nói thêm nguy cơ rủi ro vẫn có khi cả hai đều chịu định hướng bởi dư luận trong nước.
Như đã phân tích của Một Thế Giới trong bài gần đây, với Trung Quốc, tấn công lên đảo Đài Loan là một công việc rất phức tạp vì đòi hỏi thời gian và khối lượng quân sự rất lớn do Đài Loan cũng đề phòng và có một eo biển khá rộng phía trước làm chướng ngại vật. Trung Quốc cũng không muốn có một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài vì điều đó có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Bắc Kinh có các lựa chọn quân sự khác ngoài việc tiến hành một cuộc tấn công mạo hiểm qua eo biển Đài Loan dài hàng trăm cây số - chẳng hạn như chiếm một trong những hòn đảo nhỏ hơn do Đài Bắc kiểm soát.
Trong bài trước, Một Thế Giới cho rằng đảo Kim Môn cách đại lục chưa đầy 2 cây số là mục tiêu dễ thực hiện nhất. Còn Bloomberg cũng đánh giá Kim Môn là mục tiêu hàng đầu và còn liệt kê thêm đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông.
Đông Sa cách cảng Cao Hùng 444 km, và chỉ cách Hồng Kông 340 km. Tính đến tháng 11.2020, Đài Loan cho đồn trú khoảng 500 lính thủy đánh bộ tại đây. Vào nửa cuối năm 2020, các báo cáo lặp đi lặp lại về các cuộc tập trận và bay lượn gần hòn đảo của Trung Quốc được coi là một nỗ lực rõ ràng nhằm cắt đứt đường tiếp tế giữa đảo Đông Sa và đảo chính Đài Loan.
Gần đây, trong thông báo ngày 1.8, Cục hải sự tỉnh Hải Nam cho biết thời gian cấm tàu bè ra vào khu vực tập trận là từ 0h ngày 2.8 đến 0h ngày 6.8. Cuộc tập trận diễn ra trùng thời điểm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang có chuyến thăm khu vực Đông Á (gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á).
Dựa trên tọa độ được công bố kèm theo, khu vực tập trận nằm ở phía đông bắc đảo Hải Nam và rất tình cờ thì khu vực đó khá gần quần đảo Đông Sa. Trước tình hình có nhiều điều đáng ngại, từ tuần trước Đài Loan cho biết Quân đội đóng tại các Bành Hồ và Kim Mô, và trên đảo Đông Dẫn và quần đảo Đông Sa sẽ tiến hành các cuộc tập trận trong tháng này.