Rối loạn khứu giác có thể chỉ ra vấn đề suy giảm nhận thức lâu dài hậu COVID-19

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:09, 03/08/2022

Đó là kết quả 1 trong 3 nghiên cứu về COVID-19 đáng chú ý được công bố gần đây.

Mũi của trẻ em bảo vệ kém hơn trước Omicron

Một nghiên cứu nhỏ cho thấy biến thể Omicron có thể lây nhiễm qua đường mũi trẻ em hiệu quả hơn so với các phiên bản SARS-CoV-2 trước.

Trước đó trong đại dịch, mũi của trẻ em ít bị xâm nhập bởi vi rút SARS-CoV-2 so với người lớn. Các nghiên cứu về chủng SARS-CoV-2 ban đầu và một số biến thể của nó cho thấy vi rút này gặp các phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở các tế bào niêm mạc mũi của người trẻ so với người lớn, và kém hiệu quả hơn trong việc tạo bản sao ở mũi trẻ em.

Thế nhưng, các thí nghiệm trong ống nghiệm gần đây trộn vi rút với tế bào mũi của 23 trẻ em khỏe mạnh và 15 người lớn khỏe mạnh cho thấy khả năng phòng vệ chống vi rút SARS-CoV-2 trong mũi trẻ em "ít rõ rệt hơn trong trường hợp biến thể Omicron". Các nhà nghiên cứu báo cáo điều này trên Tạp chí PLOS Biology.

Họ cũng ghi nhận Omicron tự tái tạo hiệu quả hơn trong các tế bào niêm mạc mũi của trẻ em so với cả Delta và chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Các nhà khoa học viết: “Những dữ liệu này phù hợp với số lượng gia tăng các ca mắc COVID-19 ở trẻ em được quan sát thấy trong làn sóng Omicron”, đồng thời kêu gọi các nghiên cứu bổ sung.

Rối loạn khứu giác có thể dự đoán vấn đề suy giảm nhận thức lâu dài hậu COVID-19

Theo một nghiên cứu ở Argentina, mức độ nghiêm trọng của rối loạn chức năng khứu giác sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể là yếu tố dự báo tốt hơn về suy giảm nhận thức lâu dài so với mức độ nghiêm trọng tổng thể do COVID-19.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu mẫu ngẫu nhiên gồm 766 người trên 60 tuổi, khoảng 90% trong số họ từng nhiễm SARS-CoV-2. Các xét nghiệm về thể chất, nhận thức và tâm thần kinh được thực hiện từ 3 đến 6 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy 2/3 số bệnh nhân suy giảm trí nhớ ở một mức độ nào đó.

roi-loan-khuu-giac-co-the-chi-ra-van-de-suy-giam-nhan-thuc-lau-dau-hau-covid-19.jpg
Mức độ nghiêm trọng của rối loạn chức năng khứu giác sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể là yếu tố dự báo tốt hơn về suy giảm nhận thức lâu dài so với mức độ nghiêm trọng tổng thể do COVID-19

Sau khi xem xét các yếu tố nguy cơ khác của cá nhân, mức độ nghiêm trọng từ việc mất khứu giác (được gọi là chứng mất khứu giác) nhưng không phải tình trạng lâm sàng, suy giảm nhận thức đáng kể, các nhà nghiên cứu đã báo cáo hôm 1.8 tại Hội nghị Quốc tế của Hiệp hội Bệnh Alzheimer 2022, được tổ chức trực tuyến ở thành phố San Diego (bang California, Mỹ).

Trưởng nhóm nghiên cứu, Gabriela Gonzalez ở Đại học Aleman của Pontificia Universidad Catolica Argentina ở thủ đô Buenos Aires, cho biết: “Chúng ta càng có hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân hoặc ít nhất là dự đoán ai sẽ trải qua tác động nhận thức lâu dài đáng kể của mắc COVID-19 thì chúng ta càng có thể theo dõi nó tốt hơn và bắt đầu phát triển các phương pháp để ngăn ngừa nó”.

Vắc xin COVID-19 dạng viên uống của Vaxart tạo kháng thể cao ở niêm mạc mũi

Một loại vắc xin COVID-19 thử nghiệm ở dạng viên uống đã cho thấy các đáp ứng miễn dịch đầy hứa hẹn trong một thử nghiệm sơ bộ nhỏ được thiết kế chủ yếu để đánh giá tính an toàn của nó, theo nhà sản xuất thuốc Vaxart.

Công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco, California, Mỹ trước đó cho biết vắc xin dạng viên này được dung nạp tốt, không có ai bỏ nghiên cứu vì tác dụng phụ. Họ vừa báo cáo về đáp ứng miễn dịch ở 35 tình nguyện viên khỏe mạnh uống viên thuốc này.

Trong khi các loại vắc xin COVID-19 hiện được phê duyệt tạo ra kháng thể trong máu, viên thuốc này tạo ra kháng thể trong niêm mạc - các mô lót mũi và đường thở là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại vi rút SARS-CoV-2, theo một báo cáo được đăng trên trang web y tế medRxiv trước khi đánh giá ngang hàng.

Gần một nửa số người tình nguyện cho thấy sự gia tăng các kháng thể kéo dài có khả năng liên kết với nhiều vị trí trên biến thể Delta và Omicron. Các mẫu nước bọt và mũi cho thấy một nửa số người tham gia nghiên cứu có lượng kháng thể cao hơn những người tương tự có lượng kháng thể là kết quả của các lần nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Các nhà nghiên cứu nói khả năng trung hòa vi rút SARS-CoV-2 nâng cao kéo dài trong 6 tháng.

Trong tương lai, các nghiên cứu lớn hơn được thiết kế đặc biệt để kiểm tra tính hiệu quả của vắc xin dạng viên là cần thiết, cũng như các nghiên cứu để kiểm tra xem liệu vắc xin vectơ adenovirus này có hoạt động tốt ở những người từng tiêm vắc xin mRNA từ Pfizer - BioNTech hoặc Moderna.

Quy định tiêm vắc xin COVID-19 liên quan đến việc cung cấp nhân sự tốt hơn cho viện dưỡng lão

Một nghiên cứu cho thấy tại các bang của Mỹ bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên viện dưỡng lão, các quy tắc này đã đạt được hiệu quả mong muốn và không dẫn đến việc từ chức hàng loạt hoặc thiếu hụt nhân sự.

Tuy nhiên ở các bang không có quy định như vậy, các viện dưỡng lão đã gặp phải tình trạng thiếu nhân viên trong suốt thời gian nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo thông tin này trên Diễn đàn Y tế JAMA.

Dữ liệu thu thập từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 11.2021 từ Mạng lưới An toàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia cho thấy tại 12 bang có quy định về vắc xin COVID-19, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng của nhân viên dao động từ 78,7% đến 95,2%.

Trong khi các bang không có quy định này "thường xuyên thấp hơn về tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên và tỷ lệ thiếu nhân viên được báo cáo cao hơn suốt thời gian nghiên cứu".

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Sự liên kết giữa các quy định với tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao hơn trái ngược với những nỗ lực trước đây nhằm tăng cường hấp thu vắc xin COVID-19 của các nhân viên viện dưỡng lão thông qua giáo dục, tiếp cận và khuyến khích”.

Họ nói thêm rằng dữ liệu "cho thấy nỗi lo về sự thiếu hụt nhân sự lớn do quy định tiêm vắc xin COVID-19 có thể không có cơ sở".

Sơn Vân