Chủ tịch HĐND TP.HCM: Giữ cho Củ Chi luôn là “vùng xanh” trong phòng chống dịch bệnh
Sự kiện - Ngày đăng : 19:05, 03/08/2022
Xã Bình Mỹ là một trong những xã có tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết (SXH) cao của huyện Củ Chi. Phó chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Phạm Tấn Phát cho biết địa phương có 144 tuyến kênh, rạch lớn nhỏ nên rất dễ phát sinh ổ lăng quăng. Đồng thời, dân nhập cư đông, đa số bà con là công nhân, đi sớm về khuya dẫn đến việc tuyên truyền, vận động các biện pháp phòng chống SXH gặp khó khăn.
Ngoài việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố, ngành y tế như hàng tuần ra quân nạo vét kênh rạch, khử khuẩn môi trường, xã còn có giải pháp tặng cá 7 màu cho khoảng 800 hộ dân, khu phòng trọ để bà con thả vào các lu nước, điểm ao tù nhằm diệt lăng quăng. Qua cách làm này, địa bàn xã hiện chỉ còn 16 ca.
Lý giải nguyên nhân huyện Củ Chi là một trong 5 địa phương có số ca mắc SXH cao nhất thành phố từ đầu năm đến nay, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Hằng chia sẻ, huyện có trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông, điều kiện vệ sinh ở các khu, dãy phòng trọ còn kém. Một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi, dùng tưới cây kiểng… điều này tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý điểm nguy cơ SXH của huyện, xã, thị trấn dù được thường xuyên ra quân và đã xử phạt vi phạm hành chính 16 cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch, nhưng thực tế vẫn còn hộ gia đình không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch. Nhân sự thực hiện công tác phòng chống dịch SXH, nhất là điều trị ca bệnh tại 2 bệnh viện trên địa bàn huyện Củ Chi còn thiếu so với tình hình phức tạp của dịch bệnh, yêu cầu phải xử lý nhanh trong khi khối lượng công việc nhiều.
Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, qua thực tế các địa phương báo cáo cho thấy còn bộ phận người dân trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn có thói quen dùng lu, thùng để chứa nước sinh hoạt hoặc tưới cây kiểng… nguy cơ tạo nên nơi muỗi sinh sản lăng quăng. Việc cần làm ngay là vận động bà con thay đổi thói quen này.
Đồng thời, ngành y tế thành phố tiếp tục hỗ trợ Củ Chi công tác tuyên truyền, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hướng dẫn đầy đủ người dân có biện pháp mạnh mẽ, hạn chế tối đa những thiệt hại. Tăng cường nhân lực bác sĩ giỏi chuyên môn, kinh nghiệm điều trị SXH cho 2 bệnh viện của huyện để tránh tình trạng nhiều ca bệnh khi chuyển viện đã trở nặng. HCDC tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế về phòng chống SXH, tăng cường hóa chất để địa phương phun khử khuẩn môi trường…
Qua các giải pháp phòng chống SXH quyết liệt, chỉ tính riêng tháng 7, số ca mắc mới trên địa bàn huyện giảm 200 ca so với tháng 6. Do đó, bà Nguyễn Thị Lệ lưu ý, huyện cần phát huy tính tích cực này để giữ cho Củ Chi luôn là “vùng xanh” trong phòng chống dịch bệnh của TP.HCM. Huyện tuyệt đối không chủ quan lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Trung ương và TP.HCM.
Từ đầu năm đến nay huyện Củ Chi ghi nhận có 1.205 ổ dịch với 1.549 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) nội trú và 1.001 ca ngoại trú. Đáng chú ý, trong tổng số 2.500 ca nội trú và ngoại trú, có nhiều ca bệnh SXH là người lao động, công nhân mắc bệnh tại nơi làm việc hoặc ở địa phương khác. Huyện cũng đã có 4 trường hợp trên địa bàn tử vong do SXH. Ngoài ra, huyện Củ Chi vẫn còn 469 điểm nguy cơ được giám sát.
Trong 4 tuần qua, số ca mắc mới SXH trên địa bàn huyện giảm liên tục, như: xã An Phú tháng 6 có 32 ca (nội trú), qua tháng 7 giảm mạnh còn 7 ca; xã Hòa Phú còn 8 ca (tháng 6 có 16 ca); xã Tân Thạnh Đông còn 24 ca (tháng 6 có 50 ca).