Cuộc gặp của bà Pelosi với Chủ tịch TSMC ở Đài Loan phủ bóng đen lên ngành chip Trung Quốc

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:09, 04/08/2022

Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi hôm 3.8 đã nói chuyện với ông Mark Liu - Chủ tịch TSMC trong chuyến thăm của bà đến Đài Loan, để thảo luận về một đề xuất lập pháp từ Mỹ, theo hãng tin CNA.

Cuộc gặp giữa Nancy Pelosi với các lãnh đạo TSMC (nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu thế giới) không xuất hiện trong hành trình chính thức của bà. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã có các cuộc họp cấp cao với các quan chức Đài Loan, bao gồm bà Thái Anh Văn.

TSMC từ chối bình luận về cuộc họp, điều này được tờ The Washington Post đưa tin.

cuoc-gap-cua-ba-pelosi-va-chu-tich-tsmc-phu-bong-den-len-nganh-chip-trung-quoc.jpg
Bà Nancy Pelosi vẫy tay chào các nhà báo khi bà đến Đài Bắc hôm 3.8 - Ảnh: AFP

Quyết định của bà Nancy Pelosi dành thời gian cho cuộc gặp với TSMC trong chuyến công du gây chấn động này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan trong việc cung cấp chất bán dẫn tiên tiến với cả Trung Quốc và Mỹ.

TSMC đang xây dựng một nhà máy bán dẫn 5 nanomet ở bang Arizona (Mỹ) và dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động năm 2024, mặc dù nó được cho sẽ sản xuất những chip tụt hậu so với những chip mà họ sẽ tạo ra tại Đài Loan thời điểm đó.

Chuyến thăm cấp cao của bà Nancy Pelosi diễn ra khi Mỹ đang nỗ lực hạn chế sự đi lên của ngành công nghiệp chip Trung Quốc, vốn đã phát triển nhờ dựa vào các công nghệ nhập khẩu.

Ngoài đạo luật về chip, hứa hẹn trợ cấp 52 tỉ USD cho các công ty bán dẫn xây dựng nhà máy trên đất nước mình, Mỹ cũng đang thúc đẩy liên minh Chip 4 - quan hệ đối tác được Mỹ hình dung bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Các quan chức Mỹ cũng đang vận động tập đoàn thiết bị chip khổng lồ ASML (Hà Lan) ngừng bán thêm hệ thống in thạch bản cho wafer fab (nhà máy sản xuất bán dẫn) ở Trung Quốc.

Trong khi chi tiết ít ỏi về các cuộc thảo luận giữa bà Nancy Pelosi và ông Mark Liu đã xuất hiện, các báo cáo về cuộc họp đã gây bất ổn ở Trung Quốc.

Xiang Ligang, nhà phân tích tại thủ đô Bắc Kinh, cho biết ngành công nghiệp chip xuyên eo biển sẽ tập trung vào cạnh tranh hơn là hợp tác, vì Trung Quốc quyết tâm cải thiện năng lực sản xuất chip của mình.

Đài Loan chỉ đang sử dụng các nguồn lực, tài năng và thị trường ở Trung Quốc vì mục tiêu phát triển của chính mình”, Xiang Ligang nhận định và nói thêm rằng nếu TSMC hợp tác với Mỹ thì sẽ phủ bóng đen lên sự phát triển trong tương lai của công ty ở Trung Quốc.

TSMC chỉ sản xuất chip với các công nghệ cũ hơn ở Trung Quốc vì luật pháp Đài Loan quy định các xưởng đúc như TSMC chỉ chế tạo các sản phẩm chậm hơn ít nhất hai thế hệ so với các công nghệ tiên tiến nhất hiện có ở đảo này.

Trung Quốc vẫn dựa vào TSMC và Samsung Electronics (Hàn Quốc) để cung cấp các loại chip tiên tiến nhất được sử dụng trong smartphone, vì các nhà máy chip của nước này vẫn kém các công ty Đài Loan và Hàn Quốc về “thế hệ”.

Theo hãng phân tích TechInsight (Canada), SMIC (nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc) có thể đã đạt được khả năng sản xuất chip 7 nm. SMIC (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải) không xác nhận cũng không phủ nhận báo cáo.

Khả năng chế tạo chip tiên tiến hàng đầu của TSMC, mà người Đài Loan gọi là “ngọn núi thiêng cần bảo vệ”, từ lâu đã làm dấy lên đồn đoán rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ chiếm đảo bằng vũ lực.

Mark Liu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN trong tuần này rằng không ai có thể kiểm soát công ty bằng vũ lực vì bất kỳ hoạt động quân sự hoặc “xâm lược” nào cũng sẽ “khiến các nhà máy của TSMC không thể hoạt động được”. Ông cũng nói rằng TSMC không nên bị phân biệt đối xử đơn giản vì nó “gần với Trung Quốc”.

TSMC vận hành một xưởng đúc 12 inch ở thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc để sản xuất chip trên quy trình 16 nm và 28 nm. Nó cũng có wafer fab 8 inch ở thành phố Thượng Hải.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã kết thúc chuyến du lịch Đài Loan của mình vào chiều 3.8, dẫn đến những lời cảnh báo mạnh mẽ từ Trung Quốc. Bà Nancy Pelosi đã lên chiếc máy bay không quân Mỹ cùng 5 thành viên Quốc hội Mỹ để đến Hàn Quốc cho chặng thứ tư của chuyến công du châu Á.

Trước khi rời Đài Loan, bà Nancy Pelosi đã tweet: "Đừng nhầm lẫn: Mỹ vẫn kiên định trong cam kết của chúng tôi với người dân Đài Loan - bây giờ và trong nhiều thập kỷ tới".

Chồng bà Nancy Pelosi mua hàng triệu cổ phiếu Nvidia trước cuộc bỏ phiếu dự luật sản xuất chip

Paul Pelosi, chồng của bà Nancy Pelosi, đã mua lượng cổ phiếu trị giá từ 1 đến 5 triệu USD của công ty phần mềm và chip máy tính Nvidia vào tháng 6.2022, các tiết lộ tài chính công khai cho thấy.

Theo tiết lộ, ông Paul Pelosi (82 tuổi) đã mua cổ phiếu Nvidia trị giá từ 1 triệu đến 5 triệu USD vào ngày 17.6.

Việc mua cổ phiếu diễn ra trước khi Thượng viện Mỹ họp để thảo luận về một dự luật lưỡng đảng nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước. Dự luật nhằm cung cấp các khoản trợ cấp, tín dụng thuế và các ưu đãi khác cho các công ty sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ.

Điều đáng chú ý là Nvidia tự thiết kế chip của họ, nhưng lại thuê các công ty khác sản xuất và có khả năng sẽ không trực tiếp nhận được lợi ích từ các khoản trợ cấp liên quan đến dự luật Quốc hội này.

Ngoài ra, ông Paul Pelosi còn bán cổ phiếu Visa với giá trị từ 1 triệu đến 5 triệu USD cũng như bán từ 100.000 USD đến 250.000 quyền chọn mua cổ phiếu Apple.

Luật liên bang yêu cầu các thành viên của Quốc hội phải nộp báo cáo trong vòng 45 ngày sau khi họ hoặc vợ/chồng của họ mua hoặc bán cổ phiếu có giá trị lớn hơn 1.000 USD.

Năm 2021, Nancy Pelosi, đảng viên đảng Dân chủ ở California, đã công khai phản đối việc cấm các thành viên Quốc hội và gia đình của họ giao dịch chứng khoán cá nhân. "Chúng ta là một nền kinh tế thị trường tự do. Họ sẽ có thể tham gia vào việc đó", bà Pelosi nói.

Chất bán dẫn được sử dụng trong ô tô, smartphone, máy tính và nhiều mặt hàng phổ biến khác. Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài với một phần lớn chất bán dẫn của mình. Theo hãng tin AP, thị phần sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% xuống 12% trong ba thập kỷ qua.

Ông Paul Pelosi từng gây xôn xao dư luận gần đây sau khi bị buộc tội lái xe khi say xỉn liên quan đến vụ tai nạn ngày 28.5 ở Hạt Napa, khu vực Bắc California, Mỹ.

Sơn Vân