Nam sinh ở Sóc Trăng trượt lớp 10 vì làm bài trên đề thi
Giáo dục - Ngày đăng : 14:00, 04/08/2022
Theo phản ánh của gia đình, thí sinh Danh Tiến Đạt, học sinh Trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) đăng ký thi vào lớp 10 Trường THPT Hoàng Diệu (TP.Sóc Trăng).
Trong 3 bài thi, môn Ngữ Văn em đươc 7 điểm, môn Toán được 6,5 điểm, riêng môn tiếng Anh em không đươc chấm vì làm bài trên đề thi thay vì làm trên giấy thi.
Phụ huynh em Đạt cho biết: “Trong những năm học THCS, các học sinh thường làm bài kiểm tra môn tiếng Anh trên đề thi nên thành thói quen.
Vì vậy, khi thi vào lớp 10, dù được phát giấy làm bài nhưng em lại làm trên đề. Đến giờ thu bài, giám thị mới phát hiện em làm bài trên đề, lập biên bản ghi nhận sự việc”.
Đến lúc chấm bài, Hội đồng chấm thi cho rằng em vi phạm qui chế nên không chấm bài. Với kết quả này, em Danh Tiến Đạt không đỗ vào bất cứ lớp 10 của trường nào trong tỉnh Sóc Trăng.
Sau khi xảy ra sự việc, phụ huynh em Đạt đã làm đơn xin cứu xét, mong được chấm bài cho em nhưng Sở GD-ĐT Sóc Trăng cho rằng giám thị đã làm đúng chức trách của người coi thi, lỗi tại thí sinh nên không giải quyết.
Xung quanh trường hợp của em Danh Tiến Đạt, bên cạnh một số ý kiến ủng hộ giám thị, nhiều ý kiến lại cho rằng giám thị và ngành thiếu trách nhiệm cũng như tình thương với học sinh.
Một giáo viên trường THPT Hoàng Diệu chia sẻ: “Trong tình huống này, nếu là tôi, tôi sẽ xử lý bằng cách sau khi thu bài các thí sinh xong, tôi và giám thị phòng thi sẽ cho thí sinh này sao bài làm trên đề sang giấy. Thời gian cho việc làm này không quá 2 phút vì môn này thi theo hình thức trắc nghiệm.
Tôi cũng được biết có ý kiến cho rằng không thể cho thí sinh chép bài làm trên đề sang giấy làm bài vì như vậy không công bằng với các thí sinh khác khi em Đạt có thời gian làm bài dài hơn. Theo tôi, trong trường hợp này, giám thị coi đã thiếu quan sát, không kiểm tra chu đáo nên để học sinh mất cơ hội được học lớp 10.
Thông thường, các giám thị sẽ vừa nhắc nhở vừa kiểm tra cụ thể tờ giấy làm bài của thí sinh để giúp thí sinh điền đủ thông tin cần thiết. Nếu làm như vậy sẽ không có trường hợp thí sinh làm bài trên đề thi.
Thứ hai, khi chấm bài, trường hợp này nên được chấm chung (chấm hội đồng) vừa đảm bảo khách quan, vừa đảm bảo tính nhân văn cho thí sinh tiếp tục được theo học, mở rộng tương lai của học sinh”.
Sau khi xảy ra sự cố, cho đến nay, chỉ có em Danh Tiến Đạt là chịu thiệt thòi, mất cơ hội vào lớp 10 và mất tinh thần; còn giám thị coi thi vẫn "bình yên vô sự".
Hoàn cảnh em Danh Tiến Đạt rất khó khăn khi cha mẹ ly hôn lúc em chưa đầy 1 tuổi. Hiện em và mẹ ở chung với ông bà ngoại nhưng ông bà cũng nghèo, bệnh nhiều. Mẹ em mưu sinh bằng bán hàng rong ở các chùa.
Không được vào học lớp 10 khiến em Đạt rất buồn dù em là học sinh giỏi của trường.