Giá xăng giảm, hàng hóa vẫn 'đứng im': Quản lý thị trường vào cuộc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:14, 04/08/2022
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Trong những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.
Qua đó kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của giá cả thị trường hàng hóa nói chung và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân nói riêng, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, qua đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Tại các địa phương cũng triển khai ngay kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để báo cáo ngay với Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương về tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý trong đó có đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán; rà soát để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
Bộ Công Thương đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng phối hợp chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng quản lý thị trường triển khai kịp thời có hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc, trực thuộc khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kịp thời.