Đài Loan thiếu phi công quân sự
Quốc tế - Ngày đăng : 14:22, 05/08/2022
Lực lượng hai bên đều phải rất cẩn thận để tránh phạm sai lầm dẫn đến sự khủng hoảng mất kiểm soát. Đại tá về hưu Mountain Wang nhớ lại một lần đối đầu căng thẳng kéo dài 5 phút với máy bay Trung Quốc hơn chục năm trước: “Tôi không biết liệu họ có bắn vào tôi không. Bạn cần cảnh giác cao độ, không gây ra bất cứ tai họa gì đem lại hậu quả khôn lường nào”.
Nay rủi ro còn cao hơn, Trung Quốc triển khai nhiều máy bay với phi công dày dạn kinh nghiệm hơn và xâm nhập sâu hơn. Ngày 3.8 vừa qua có đến 22 máy bay Trung Quốc vượt qua đường phân định trên eo biển Đài Loan, ngày hôm sau Trung Quốc còn bắn đến 11 quả tên lửa vào vùng biển gần đảo tự trị.
Nhưng ngoài mối nguy từ Trung Quốc, Đài Loan còn có vấn đề dài hạn của riêng mình: thiếu hụt phi công lái máy bay chiến đấu. Với tốc độ đào tạo hiện tại thì đảo tự trị cần tới 50 năm để đào tạo đủ phi công lái số chiến đấu cơ hiện có lẫn chuẩn bị được nhận.
Tình trạng thiếu hụt cho thấy rõ hạn chế của Đài Loan dù sở hữu nhiều khí tài Mỹ. 66 chiếc F-16V mà nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đồng ý mua 2 năm trước đòi hỏi phải bổ sung ít nhất 100 phi công vào năm 2026.
Theo số liệu của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), không quân đảo trong giai đoạn 2011-2019 chỉ có thêm 21 phi công lái F-16.
Ukraine là tấm gương cho Đài Loan học tập. Kyiv nhận rất nhiều khí tài phương Tây, đồng thời có số lượng lớn quân nhân được đào tạo tốt, giúp nước này chống chọi được với Nga suốt hơn 5 tháng qua.
Nỗ lực thu hút và đào tạo phi công của Đài Loan bị cản trở bởi hàng loạt yếu tố, từ tỷ lệ sinh giảm cho đến vài vụ phi công lái chiến đấu cơ gặp nạn, khoảng 80% sinh viên đại học ở đảo tự trị cận thị do thời gian học trên lớp cùng thời gian sử dụng thiết bị điện tử dài.
Thành công ngăn chặn Nga chiếm ưu thế trên không mà quân đội Ukraine thực hiện được giúp ích rất lớn cho Đài Loan trong công tác tuyển mộ: 70% trong số 1.076 người trả lời thăm dò của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Đài Loan vào tháng 3 sẵn sàng nhập ngũ chiến đấu bảo vệ đảo nếu Bắc Kinh phát động tấn công, tăng so với tỷ lệ 40% tháng 12.2021.
Sinh viên năm thứ nhất Học viện Không quân Đài Loan Chiang Ming-chun quyết tâm trở thành phi công bất chấp lo ngại về rủi ro an toàn và căng thẳng hai bờ gia tăng: “Cha mẹ hỏi tôi vì sao không chọn lục quân hay hải quân mà lại là không quân, tôi trả lời vì đây là ước mơ của tôi. Nếu không thực hiện thì tôi sẽ hối hận”.
Sĩ quan huấn luyện Matt Shen thuộc Cơ sở Huấn luyện bay số 7 tại căn cứ không quân Chí Hàng cho biết bộ phim Top Gun: Maverick cũng góp phần làm tăng số lượng người muốn phục vụ trong không quân. Trong phim, vai chính do Tom Cruise đóng có một miếng dán hình cờ Đài Loan trên áo.
“Chúng tôi nghĩ công tác tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn trong 2 năm tới vì Top Gun: Maverick quá nổi tiếng. Nhiều thanh niên trẻ mơ được bay”, theo sĩ quan Shen.
Hiện tại hơn một nửa trong 70 - 80 học viên hằng năm của Cơ sở Huấn luyện bay số 7 sẽ phụ trách lái F-16. Tỷ lệ này vài năm trước chỉ là 1/3.
Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, số máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không đảo tự trị tăng từ 380 lần chiếc năm 2020 lên 960 năm 2021. Hành động xâm nhập không chỉ nhằm phô trương sức mạnh mà còn khiến Đài Loan bận bịu với việc cử máy bay ra xua đuổi, làm chậm quá trình đào tạo phi công. Năng lực phản ứng nếu xung đột thực sự nổ ra vì vậy mà bị xói mòn dần.
Phía không quân Đài Loan thừa nhận áp lực từ Trung Quốc là rất lớn, nhưng khẳng định năng lực của lực lượng chưa bao giờ giảm sút. Họ đang tích cực tuyển mộ tân binh, nâng tỷ lệ phân bổ phi công lái F-16, khuyến khích đội ngũ quân nhân hiện có ở lại phục vụ.
Một số trường không quân đã bắt đầu nhận học viên có điểm học tập thấp hơn nhằm đảm bảo cung cấp nhiều ứng viên đáp ứng cả yêu cầu về thể chất lẫn thị lực. Không quân Đài Loan nới lỏng yêu cầu thị lực tạo điều kiện nhập ngũ dễ dàng hơn.