Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tới 99% các học sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng

Giáo dục - Ngày đăng : 18:12, 05/08/2022

Ngày 5.8, Bộ GD-ĐT thông tin tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2022 là 98,57%, riêng đối với thí sinh THPT cao hơn, đạt 99,16%.

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022 giảm nhẹ

Ngày 5.8, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) thông tin, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay tương đương năm 2020 và 2021. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 99% như Sơn La (99,6%), Ninh Bình (99,49%), Đồng Tháp (99,38%), Điện Biên (99,24%).

Là địa phương đông thí sinh dự thi nhất cả nước, năm nay tỷ lệ tốt nghiệp của Hà Nội đạt 99,1%. So với năm 2021, số đơn vị đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%, cao hơn 11 đơn vị. Đáng chú ý, trong số các đơn vị, trường học có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, xuất hiện một số trường học ở các huyện và còn nhiều khó khăn. Theo phân tích điểm các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, ở 9 môn thi, cả nước có 1.094 bài thi bị điểm liệt, tiếng Anh nhiều nhất với 423 bài, tiếp đó là Ngữ văn 194 bài và Toán 165 bài. So với năm ngoái, tổng bài thi bị điểm liệt giảm hơn 100 bài.

Theo quy chế, thí sinh có bài thi bị điểm liệt sẽ trượt tốt nghiệp. Kết quả bài thi tốt nghiệp chiếm 70% tổng điểm xét tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp. Điểm xét tốt nghiệp sẽ bao gồm: 70% điểm thi THPT và 30% điểm trung bình lớp 12. Điểm xét tốt nghiệp sẽ được lấy đến 2 chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.

thi-thpt2022-5.jpg
Các học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, các thí sinh bắt đầu chọn nguyện vọng

Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT sau hơn 2 tuần mở cổng đăng ký nguyện vọng đã có gần 1,5 triệu nguyện vọng được đưa lên hệ thống. Năm 2022, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là hơn 938 nghìn và với gần 1,5 triệu nguyện vọng tính trung bình mỗi thí sinh đăng ký gần 4 nguyện vọng một lúc.

Theo Bộ GD-ĐT thì quy chế không hề giới hạn số lần các thí sinh đăng ký nguyện vọng bổ sung, điều chỉnh với mục đích là tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh trúng tuyển. Việc đăng ký số lượng nguyện vọng và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng trên hệ thống chung hoàn toàn do thí sinh quyết định.

Khi được hỏi về việc các thí sinh nên chọn ngành nghề nào phù hợp với năng lực bản thân, tuy nhiên vẫn phải đáp ứng được điều kiện kinh tế của gia đình. Đặc biệt là trong giai đoạn sắp tới đây các trường ĐH bắt đầu có các lộ trình tăng học phí một cách cụ thể nhất. PGS.TS Trần Thành Nam - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết các em học sinh cần lựa chọn ngành nghề yêu thích, môn học yêu thích nhất là gì để quyết định khả năng làm việc trong tương lai. Ví dụ, một bạn có thế mạnh về ngôn từ, ngoại ngữ sẽ dễ phát triển ở mảng truyền thông, báo chí. Còn các học sinh yêu thích các môn Toán, tự nhiên sẽ có khả năng tư duy logic và có thể lựa chọn những ngành kỹ thuật, công nghệ...

Theo TS Trần Thành Nam, sau khi tốt nghiệp THPT, mỗi em sẽ có định hướng riêng cho mình là học nghề hay học đại học, cao đẳng. Tuy nhiên tại Việt Nam, học đại học vẫn là một lựa chọn tương đối phổ biến. Chọn nghề đã khó, chọn ngành, chọn trường lại càng nan giải. Chính vì thế các em học sinh cần khoanh vùng một số ngành nghề phù hợp dựa trên những yếu tố kể trên, tìm hiểu thật kỹ về các ngành nghề đó. Sau khi đã xác định được nghề nghiệp cụ thể, các em tìm đến những ngành đào tạo nghề nghiệp đó tại các trường đại học, tìm hiểu chương trình đào tạo, học phí, tỉ lệ sinh viên có việc sau khi tốt nghiệp, môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khóa tại trường, mức điểm chuẩn các năm trước. Và từ đó các em học sinh có thể lựa chọn ra ngành, trường học phù hợp với năng lực, điểm số, điều kiện kinh tế của bản thân.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung