Đồng yên và EUR mất giá gây áp lực cho hàng Việt Nam xuất khẩu

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:55, 05/08/2022

Đồng USD ngày càng tăng giá, khiến đồng yên và EUR mất giá quá nhiều so với USD. Điều này có thể ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu hàng hóa thủy sản của Việt Nam.

Xuất khẩu gặp áp lực từ nay đến cuối năm

Ngày 14.7 vừa qua, đồng yên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm so với đồng đô la Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yên giảm mạnh so với đồng USD là do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất.

europeancurrencyeuro472542.jpg

Đồng EUR của châu Âu cũng chứng kiến lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD. Một trong những nguyên nhân khiến đồng EUR mất giá là do giá khí đốt tăng mạnh và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung năng lượng từ Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra lo ngại suy thoái trong khu vực đồng EUR. Trong khi Fed tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại chưa đưa ra các quyết định tương tự.

Khi đồng EUR giảm giá so với USD, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù các doanh nghiệp Việt Nam không bị ảnh hưởng do hầu hết giao dịch xuất nhập khẩu bằng USD, nhưng lợi nhuận của nhà mua hàng giảm nên họ có thể giảm nhu cầu với nhà xuất khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, khi đồng nội tệ yếu đi, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng châu Âu sẽ cân nhắc chi tiêu, lựa chọn những mặt hàng thiết yếu có giá hợp túi tiền, điều này làm giảm sức cầu.

Đồng yên rớt giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng USD đã gây ra tình trạng nhà nhập khẩu Nhật Bản đề nghị đàm phán lại giá nhập khẩu đề bù đắp những thiệt hại cho họ khi đồng yên sụt giá, hoặc có tình trạng khách hàng đã ký hợp đồng từ trước nhưng xin đàm phán nhận hàng chậm lại. Bị thiệt nhiều khi đồng nội tệ mất giá, các nhà nhập khẩu của Nhật Bản cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch cũng như nhu cầu nhập hàng trong giai đoạn này.

Ngoài ra, khi đồng USD tăng giá cũng có nghĩa chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng theo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp của Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.

Chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản trong nửa đầu năm nay đạt trên 800 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Trước áp lực lạm phát, VASEP nhìn nhận giá thủy sản tại Nhật Bản liên tục tăng trong thời gian qua. Hơn nữa, đồng yên Nhật Bản mất giá, rơi xuống mức thấp nhất trong 24 năm, càng làm cho người dân Nhật phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu. Do vậy, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cũng khó có những đột phá đáng kể từ nay đến cuối năm.

Chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2022 đạt trên 688 triệu USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi tăng 58% trong quý 1/2022, xuất khẩu thuỷ sản sang EU trong quý 2/2022 cũng chậm lại, tăng 31% đạt 390 triệu USD.

Cùng với đồng EUR mất giá, EU cũng là thị trường có mức lạm phát cao trong nửa đầu năm nay. Lạm phát kỷ lục 8% trong quý 2/2022 cho thấy thương mại của EU đang bị khủng hoảng, sau COVID-19 và đặc biệt sau những lệnh trừng phạt thương mại với Nga do xung đột tại Ukraine. Lạm phát phủ bóng đen lên nền kinh tế khu vực Eurozone, tác động giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu. Do vậy, những mặt hàng thuỷ hải sản giá cao sẽ nằm trong danh sách mà người tiêu dùng phải cân nhắc, tính toán.

Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình.

EURO, yên rớt giá giúp nợ công Chính phủ ước giảm 57.000 tỉ đồng

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có thông báo về tác động của biến động tỷ giá đến nợ công và tình hình trả nợ của Việt Nam hiện nay. Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, dư nợ Chính phủ ước khoảng 3,283 triệu tỉ đồng.

Cụ thể, nợ trong nước là 2,184 triệu tỉ đồng, chiếm 66,5% dư nợ công. Nợ đồng USD là 455.000 tỉ đồng, chiếm gần 14%. Nợ đồng yên Nhật là 346.000 tỉ đồng, bằng 10,5% nợ công...

Căn cứ theo tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho hay từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng nhẹ với mức 1 USD bằng 23.400 đồng, tăng 1,1% so với đầu năm 2022, ước làm tăng dư nợ Chính phủ khoảng 5.000 tỉ đồng so với cuối năm 2021.

Với 1 EUR bằng 24.385 đồng, giảm 9,5% so với đầu năm 2022, Bộ Tài chính ước tính làm giảm dư nợ công khoảng 17.000 tỉ đồng so với cuối năm trước. Còn 1 yên Nhật bằng 180 đồng, giảm mạnh nhất với 13% so với đầu năm 2022 cũng giúp nợ công của Việt Nam giảm tới 45.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% nợ công. Đồng thời, các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo.

Ngược lại, dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hằng năm và đang có xu hướng giảm dần, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Tuyết Nhung