Lý do Apple yêu cầu nhà cung cấp tuân theo quy tắc hải quan Trung Quốc
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:51, 05/08/2022
Căng thẳng thương mại Trung-Mỹ đã leo thang sau Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi cùng phái đoàn Quốc hội Mỹ tới Đài Loan.
Apple nói với các nhà cung cấp, Trung Quốc đã bắt đầu thực thi quy tắc lâu đời rằng các bộ phận và linh kiện do Đài Loan sản xuất phải được dán nhãn sản xuất tại "Đài Loan, Trung Quốc" hoặc "Đài Bắc Trung Hoa", trích dẫn các nguồn thạo tin.
Apple không trả lời ngay lập tức câu hỏi tìm bình luận của Reuters.
Pegatron Corp, nhà lắp ráp iPhone của Apple, cho biết nhà máy ở Trung Quốc đang hoạt động bình thường. Trước đó rộ tin các lô hàng đến nhà máy của Pegatron Corp ở Trung Quốc đang bị các quan chức hải quan nước này giám sát.
Pegatron Corp và Foxconn, hai đối tác cung cấp và lắp ráp iPhone, đang tăng cường nỗ lực sản xuất khi Apple chuẩn bị ra mắt dòng iPhone 14 vào tháng 9 tới.
Foxconn, nhà cung cấp hàng đầu của Apple, đã bổ sung thêm năng lực sản xuất iPhone cho một nhà máy hiện có ở Ấn Độ như nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan, sẽ sớm bắt đầu sản xuất smartphone tại một tòa nhà mới tại nhà máy hiện có gần Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, theo tờ The Economic Times, trích dẫn các nguồn tin giấu tên.
The Economic Times cho biết động thái này diễn ra sau đợt tuyển dụng của Foxconn tại Ấn Độ trong những tuần gần đây.
Foxconn đã tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình tại Ấn Độ trong nhiều năm. Năm 2015, Foxconn cho biết sẽ xây dựng 12 nhà máy ở nước này, sử dụng gần 1 triệu công nhân.
Hiện Foxconn chỉ có một nhà máy gần thành phố Chennai, đôi khi được gọi là "Detroit của châu Á" vì cơ sở công nghiệp của nó.
Cuối năm ngoái, nhà máy đã tạm thời đóng cửa sau cuộc biểu tình của công nhân về vấn đề an toàn thực phẩm. Các dây chuyền sản xuất đã mở cửa trở lại vào tháng 1.2022.
Căng thẳng với Mỹ thúc đẩy người Trung Quốc mua cổ phiếu ngành chip
Cổ phiếu các nhà sản xuất chip Trung Quốc tăng mạnh nhất trong hai năm tuần này khi chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đến Đài Loan làm gia tăng căng thẳng với Mỹ.
Sự gia tăng quan tâm đến các cổ phiếu sản xuất chip, vốn mất hơn 1/3 giá trị trong năm qua do lo ngại về giá, diễn ra sau khi Thượng viện Mỹ tuần trước thông qua đạo luật Chips and Science (Chip và khoa học) để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.
Chỉ số chất bán dẫn của Trung Quốc (.CSIH30184) tăng 6,8% hôm 5.8 lên mức cao nhất 4 tháng qua, nâng mức tăng trong tuần lên 14,2%, hiệu suất hàng tuần tốt nhất kể từ giữa năm 2020.
Dù đạo luật Chips and Science sẽ hạn chế hơn nữa việc sử dụng các công nghệ tiên tiến của Mỹ ở Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào chất bán dẫn ở Mỹ, một số nhà đầu tư coi đây là tin tốt cho những người chơi Trung Quốc trong nước.
Niu Chunbao, Giám đốc đầu tư của quỹ tư nhân Wanji Asset, cho biết: “Các nhà sản xuất chip trong nước sẽ có cơ hội lớn để thay thế các sản phẩm nhập khẩu”.
Quan điểm này được lặp lại bởi Guorong Securities, cho biết trong lưu ý rằng đạo luật Chips and Science sẽ "kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc".
Cổ phiếu Shenzhen China Micro Semicon Co Ltd đã tăng 82% trong ngày đầu tiên giao dịch tại Thượng Hải, trái ngược với những lần ra mắt thị trường chứng khoán gần đây.
Cổ phiếu Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC - nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc) tăng 7,1% ở Hồng Kông và 4,4% tại Thượng Hải.
Chỉ số SSE STAR Chip Index (.STARCHIP) tăng 8,3%. Tuy nhiên, cổ phiếu các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang đắt đỏ so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu, vào thời điểm viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đe dọa nhu cầu chip.
Ngành công nghiệp toàn cầu, vốn chịu ảnh hưởng của chuỗi cung ứng trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, hiện phải đối mặt với nhu cầu yếu do lo ngại lạm phát và suy thoái làm giảm đơn đặt hàng với chip được sử dụng trong mọi thứ từ ô tô đến ĐTDĐ.
Sau hơn 2 năm, Thượng viện và Hạ viện Mỹ cuối cùng đã thông qua đạo luật Chips và Khoa học hồi cuối tháng 7.2022, phản ánh sự nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc hội trước việc cần thiết phải chống lại khả năng trỗi dậy về công nghệ Trung Quốc. Đạo luật được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Joe Biden khi ông rất mong nó được ký thành luật.
Song theo các nhà phân tích, đạo luật mới, bao gồm 52 tỉ USD trợ cấp cho các nhà sản xuất chip của Mỹ, cùng hàng chục tỉ USD cho nghiên cứu khoa học, có khả năng sẽ phủ bóng đen lên an ninh chuỗi cung ứng và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, dù tác động tức thời có thể được hạn chế.
“Mỹ đã thu hút các công ty sản xuất chip trong một thời gian, với các ưu đãi khá lớn. Sẽ có nhiều công ty quan tâm đến việc tham gia và điều này chắc chắn sẽ tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, theo William Wang, Giám đốc điều hành công ty tư vấn IC Cafe có trụ sở tại Thượng Hải.
Theo William Wang, ảnh hưởng trực tiếp có thể sẽ mất nhiều năm để phát huy tác dụng, nhưng trên thực tế tác động cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các công ty chip có thể tận dụng chính sách hỗ trợ của Mỹ để định hình lại ngành công nghiệp toàn cầu hay không.
Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về đạo luật mới và tác động của nó với ngành công nghệ Trung Quốc. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố nước này kiên quyết phản đối các điều khoản trong đạo luật hạn chế hợp tác công nghệ thông thường giữa hai nước.
Theo Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, biện pháp khuyến khích mới sẽ làm giảm đầu tư của các công ty quốc tế vào Trung Quốc, đồng thời thu hút vốn, nhân tài và chuỗi cung ứng ngành quay trở lại Mỹ.
“Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ làm suy yếu phạm vi tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế của Trung Quốc. Về lâu dài, nó có thể làm cạn kiệt chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng tiêu hao tài năng với Trung Quốc”, Gu Wenjun nói.
Trung Quốc không phải là nước dẫn đầu trong chuỗi giá trị chất bán dẫn toàn cầu do phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Li Yizhong, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin giai đoạn 2008 - 2010, đầu tháng này nói rằng Trung Quốc phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và vật liệu, nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo dữ liệu từ Gartner, các công ty Mỹ đang nắm quyền kiểm soát chặt chẽ chuỗi giá trị chất bán dẫn thượng nguồn, với 13 trong số 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo doanh thu vào năm ngoái là của Mỹ.