Lệnh cấm xuất khẩu cát cho Đài Loan của Trung Quốc có ảnh hưởng đến thế giới?

Chuyển động - Ngày đăng : 14:14, 06/08/2022

Phản ứng lại chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu cát tự nhiên cho đảo tự trị.

Thế giới hiện đang quan tâm dầu và khí đốt vì chúng ảnh hưởng đến mức lạm phát ở nhiều quốc gia. Ít ai biết cát là tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều thứ hai chỉ sau nước, và đang cạn kiệt nhanh chóng.

Một số loại cát trộn với nước tạo thành bê tông – thành phần quan trọng trong ngành xây dựng. Mặc dù Trái đất có không ít sa mạc, nhưng cát sa mạc không thể được sử dụng làm bê tông vì chúng quá mịn, các hạt riêng lẻ không kết dính với nhau. Cát từ đáy, bờ và bãi bồi sông hồ mới sử dụng được.

Bên cạnh ngành xây dựng, cát còn có ứng dụng trong ngành chế tạo sản phẩm bán dẫn – trụ cột của kinh tế Đài Loan, chiếm 15% GDP và gần 40% xuất khẩu.

leshutterstock_99672110-940x580-1.jpg
Cát là tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ nhiều thứ hai chỉ sau nước - Ảnh: Shutterstock

Vài năm gần đây, Đài Loan cố gắng nâng cao năng lực khai thác cát cũng như tìm nguồn nhập khẩu ngoài Trung Quốc để bù đắp lượng thiếu hụt. Dữ liệu từ Cục Khai khoáng Đài Loan (BOM) cho thấy trong hai năm 2020 và 2021, cát tự nhiên nhập khẩu lần lượt chiếm khoảng 0,64% và 0,75% (450.000 và 540.000 tấn) nhu cầu nội địa của đảo tự trị. Trung Quốc chỉ cung cấp 70.000 và 170.000 tấn.

BOM cho biết, Đài Loan đảm bảo được nguồn cung cát sỏi năm 2022 nhờ nỗ lực nạo vét sông hồ. Đảo tự trị dự kiến trong năm nay tự sản xuất 48,85 triệu tấn cát sỏi. Nguồn cung Đông Nam Á đáp ứng lượng còn thiếu.

Dù đảm bảo lượng cát tự sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu nội địa, khả năng Đài Loan đáp ứng được nhu cầu thế giới vẫn chưa rõ ràng. Lệnh cấm xuất khẩu cát và phong tỏa các tuyến giao thương có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm bán dẫn.

Nhà kinh tế Alicia García-Herrero thuộc Ngân hàng đầu tư Natixis nhận định, cát không phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc, nhưng cấm xuất khẩu mặt hàng này chắc chắn ảnh hưởng đến Đài Loan - nơi ngành xây dựng cũng đang hồi phục sau đại dịch COVID-19.

Chuyên gia đầu tư - thương mại Julien Chaisse thuộc Đại học Thành phố Hồng Kông lo ngại Trung Quốc sẽ áp lệnh cấm xuất khẩu cát trong thời gian dài.

Hiệp hội Các đại lý ô tô Ấn Độ cảnh báo căng thẳng tại eo biển Đài Loan khiến nguy cơ thiếu hụt sản phẩm bán dẫn quay trở lại. Tập đoàn Đài Loan TSMC - hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới - đầu tuần qua cũng từng khuyến cáo các nhà máy của họ sẽ không thể hoạt động nếu Trung Quốc phát động tấn công đảo tự tri.

TSMC hiện giữ vị thế thống trị trong chế tạo loạt sản phẩm chip tiên tiến nhất, họ nắm bắt được công nghệ quan trọng và hiện chiếm hơn 90% sản lượng toàn cầu. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phụ thuộc nhiều vào đơn vị này.

Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu từng xảy ra trong 2 năm trước vì phong tỏa phòng chống dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, hình thức làm việc tại nhà khiến nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử tăng vọt. Ngân hàng Goldman Sachs xác định có đến 169 ngành bị ảnh hưởng.

Cẩm Bình