Châu Âu cần Đài Loan vì nỗi lo mất nguồn cung từ hãng chip số 1 thế giới
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:10, 07/08/2022
Khi căng thẳng bùng phát ở Đông Á, các lệnh trừng phạt Đài Loan của Trung Quốc là lời nhắc nhở rõ ràng với Liên minh châu Âu (EU) về mức độ phụ thuộc của khối vào đảo tự trị này, đặc biệt là những con chip máy tính nhỏ bé mà Đài Loan sản xuất.
Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở quanh Đài Loan để đáp trả chuyến thăm Đài Bắc hôm 3.8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Các động thái quân sự buộc các tuyến đường hàng không và đường biển phải tránh khu vực này, phong tỏa hiệu quả đảo tự trị.
Hiện tại, Trung Quốc đã trả đũa dài hạn hơn với việc cấm xuất khẩu cát sang Đài Loan, cùng với việc cấm nhập khẩu trái cây họ cam quýt, sò điệp trắng ướp lạnh và cá thu đông lạnh từ Đài Loan. Song rủi ro với Đài Loan cùng các công ty phương Tây phụ thuộc vào sản xuất chip của Đài Loan sẽ nằm ở các biện pháp trừng phạt nặng nề trong tương lai từ Trung Quốc.
Máy móc và thiết bị chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu của EU từ Đài Loan vào năm ngoái. Nỗi lo lớn nhất với các doanh nghiệp châu Âu sẽ là sự cắt giảm đột ngột nguồn cung cấp chip điện tử do TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co), công ty bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan, sản xuất.
TSMC nắm giữ hơn một nửa thị trường sản xuất chip theo hợp đồng và có các khách hàng lớn như Apple, Qualcomm. Để đánh dấu tầm quan trọng của TSMC, bà Nancy Pelosi đã gặp Chủ tịch công ty này là Mark Liu trong chuyến thăm Đài Loan.
Vấn đề với châu Âu là phụ thuộc vào chip Đài Loan trong nhiều năm và nếu Trung Quốc tấn công đảo thì có thể phá hủy ngay lập tức đường cung cấp quan trọng, với ít hoặc không có bất kỳ cảnh báo nào.
TSMC được thành lập vào cuối những năm 1980 bởi Morris Chang, cựu kỹ sư tại hãng Texas Instruments có trụ sở tại Mỹ. Morris Chang là ví dụ điển hình về việc các hãng công nghệ phương Tây đã đánh mất chuyên môn đi kèm với quy trình chuyên biệt.
Theo Ludo Deferm, Phó chủ tịch điều hành tại trung tâm nghiên cứu chất bán dẫn Imec tại thành phố Leuven (Bỉ), văn hóa làm việc linh hoạt ở Đài Loan cũng đồng nghĩa các nhà sản xuất chip có thể thuê và sa thải công nhân dễ dàng hơn để phù hợp với nhu cầu cao và thấp.
Vấn đề thứ hai là tính chất độc đáo của các chip mà TSMC có thể cung cấp. Công ty Đài Loan không chỉ là sản xuất chip cho các thiết bị điện tử đang có mặt khắp nơi trên smartphone hoặc máy tính xách tay, mà còn tạo ra nhiều chip tiên tiến hơn, như chip từ 5 nanomet trở xuống, sẽ là chìa khóa cho việc ô tô tự lái.
“Thực tế hiện nay trên thế giới chỉ có hai nhà máy có thể sản xuất chip quy trình nhỏ hơn 5 nanomet. Đó là TSMC và Samsung. TSMC hoàn toàn thống trị, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào họ”, Hermann Hauser, nhà đầu tư mạo hiểm và người sáng lập hãng Acorn Computers (Anh), nói với trang Politico trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Tất nhiên, EU nhận thức được những cạm bẫy. “Đây là lĩnh vực vừa cần vốn, vừa thâm dụng tri thức và có thể phát triển công nghệ nhanh chóng. Việc sản xuất chip diễn ra trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phức tạp và ở một số phân khúc quan trọng thì lại tập trung quá mức ”, một quan chức EU cho biết.
Tại sao Đài Loan cần châu Âu?
Giờ đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan đặt ra câu hỏi về việc EU sẽ ứng xử với Bắc Kinh như thế nào.
Vai trò quan trọng của TSMC được chú ý ở Trung Quốc. Trong bài phát biểu vào tháng 6.2022, nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã công khai kêu gọi Bắc Kinh “thâu tóm” TSMC.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát phương Tây hoài nghi rằng mối đe dọa này sẽ thành hiện thực - cho rằng Trung Quốc không muốn làm như vậy đơn giản vì TSMC vẫn dựa vào các công ty khác cung cấp thiết bị, như ASML (Hà Lan).
Đó cũng là những gì Chủ tịch TSMC - Mark Liu nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với đài CNN, cảnh báo rằng công ty của ông sẽ không thể hoạt động nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Hermann Hauser lập luận rằng điều này mang lại sức mạnh cho EU. Ông nói: “Chúng tôi có một con bài mặc cả là châu Âu. Không ai có thể sản xuất chip nhỏ hơn 5 nanomet trên thế giới mà không có các công cụ của ASML".
Song, việc nghĩ đến viễn cảnh không tưởng - bị cắt đứt hoàn toàn chip từ Đài Loan - chắc chắn sẽ thúc đẩy các nhà lập pháp và doanh nghiệp châu Âu đẩy nhanh các kế hoạch hiện có để tiếp tục sản xuất một số chip và tăng gấp đôi thị phần của châu lục này trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Vào tháng 2, Ủy ban châu Âu đã trình bày kế hoạch chip trị giá 43 tỉ euro để thu hút một số hãng chip nhất định tham gia vào các cam kết sản xuất ở lục địa này. Đó không phải là công việc dễ dàng vì phải đảm bảo rằng các quy tắc viện trợ không bị bẻ cong trên đường.
Đây cũng là một tiến trình chậm chạp đáng kinh ngạc, với việc EU đang phải vật lộn để kêu gọi các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang khối này.
Trong khi châu Âu đã thu hút các khoản đầu tư mới trong những tháng gần đây - bởi các công ty như Intel ở Đức và STMicroelectronics cùng GlobalFoundries tại Pháp - TSMC vẫn chưa cam kết xây một nhà máy chế tạo chip ở châu Âu. Thay vào đó, TSMC chọn xây nhà máy tại Nhật Bản và Mỹ (bang Arizona).
“Thật không may tại thời điểm này, chúng ta dường như đang cố gắng thực hiện sự thay đổi với Intel và Intel không có công nghệ đó. Chúng ta cần làm điều này với TSMC và Samsung. Tôi không hiểu tại sao chúng ta không có các cuộc thảo luận nghiêm túc hơn với Samsung và TSMC”, Hermann Hauser bình luận.