Quan hệ Trung - Nhật căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Quốc tế - Ngày đăng : 09:18, 08/08/2022

Nỗ lực cân bằng giữa lập trường cứng rắn về địa chính trị và hợp tác về kinh tế với Trung Quốc mà Nhật Bản thực hiện dường như sắp bị phá vỡ.

Cực kỳ phẫn nộ trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc trút giận lên Nhật Bản vì nước này là đồng minh thân cận của Mỹ. Bắc Kinh phản ứng mạnh khi Thủ tướng Fumio Kishida tiếp đón bà Pelosi.

Căng thẳng đe dọa đến vị thế trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc của Nhật Bản với tư cách thành viên châu Á duy nhất trong nhóm 7 nước phát triển (G7). Mối quan hệ rạn nứt thể hiên rõ vào ngày 4.8: cuộc gặp ngoại trưởng bên lề hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia bị Trung Quốc hủy bỏ ngay phút chót. Lý do hủy gặp là Nhật cùng với các nước G7 khác ra tuyên bố chung “vu cáo Trung Quốc một cách vô lý, đổi trắng thay đen”, tiếp tay cho Mỹ xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.

Trước đó khi Trung Quốc tuyên bố tổ chức tập trận quanh Đài Loan để phản ứng chuyến thăm của bà Pelosi, G7 ra tuyên bố chung chỉ trích Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, kêu gọi không dùng vũ lực thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.

chpelosi.jpg
Nhật Bản là trạm cuối trong chuyến công du châu Á của bà Pelosi - Ảnh: Reuters

Trung Quốc chỉ thông báo hủy cuộc gặp ngoại trưởng trước thời điểm cuộc gặp dự kiến diễn ra khoảng nửa ngày. Phía Bắc Kinh dường như chờ xem liệu Thủ tướng Kishida có quyết định tiếp đón bà Pelosi ngày 5.8 hay không. Tokyo cũng giữ kín quyết định của Thủ tướng Kishida đến phút chót.

Cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN với 3 đối tác Trung, Nhật, Hàn trong ngày 4.8 cũng ghi nhận căng thẳng. Một nguồn tin chính phủ Nhật cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lúc họp tuyên bố Nhật “phải chịu trách nhiệm lịch sử” về tình hình ở Đài Loan, vị quan chức ngoại giao này có lúc còn lớn tiếng với người đồng cấp Yoshimasa Hayashi.

Không những hủy cuộc gặp ngoại trưởng, quân đội Trung Quốc lúc tập trận còn bắn 5 tên lửa đạn đạo rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật. Một quan chức quốc phòng Nhật nhận định: “Môi trường an ninh Nhật - Trung đã bước sang một giai đoạn mới”.

Sau khi tiếp đón bà Pelosi ngày 5.8, Thủ tướng Kishida phát biểu trước báo giới: “Nhật cùng Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.

Cùng lúc ở hội nghị cấp cao ASEAN, Ngoại trưởng Vương cùng người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bỏ ra ngoài khi Ngoại trưởng Hayashi phát biểu.

Nhật vài năm qua luôn ủng hộ ý tưởng xây dựng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Mỹ trong khi vẫn duy trì hợp tác kinh tế với Bắc Kinh. Tokyo luôn cố giữ cân bằng dù căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.

Chính quyền Thủ tướng Kishida vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng. Năm nay đặc biệt có ý nghĩa, kỷ niệm 50 năm Trung - Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cuộc gặp ngoại trưởng tại Campuchia tạo điều kiện cho hai nước bàn chuyện chuẩn bị tổ chức hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Kishida với Chủ tịch Tập Cận Bình vào mùa thu năm nay. Nhưng mọi thứ đã đổ bể.

Ngoại trưởng Hayashi ngày 5.8 tuyên bố: “Giao tiếp đặc biệt quan trọng trong các tình huống căng thẳng. Nhật luôn sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc”.

Tokyo dường như chẳng phản ứng gì với loạt diễn biến mới nhất. Chính phủ Nhật không triệu tập hội đồng an ninh quốc gia họp khẩn sau khi tên lửa Trung Quốc rơi vào EEZ, trái ngược với những lần Triều Tiên phóng tên lửa.

Theo một quan chức Nhật cấp cao: “Các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lần phóng này của Trung Quốc thì không”.

Chính phủ Nhật nhiều lần từ chối bình luận về vấn đề Đài Loan trước và trong khi bà Pelosi sang thăm đảo tự trị. Bà Pelosi cũng không cho biết có bàn luận vấn đề Đài Loan lúc gặp Thủ tướng Kishida hay không, dường như vì cân nhắc đến mối quan hệ Nhật - Trung đầy tế nhị.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc vài năm qua luôn cố lôi kéo Nhật, một phần nhằm chia rẽ liên minh Tokyo - Washington. Nhưng cách tiếp cận cân bằng giữa lập trường cứng rắn về địa chính trị và sự hợp tác về kinh tế với Trung Quốc mà Nhật thực hiện có thể thất bại nếu Bắc Kinh nhận định Tokyo “theo sát” Mỹ.

Cẩm Bình