Apple có thể hoãn ra mắt iPhone 14 do căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang

Thế giới số - Ngày đăng : 11:50, 08/08/2022

Một báo cáo gần đây cho biết căng thẳng chính trị diễn ra giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể khiến Apple hoãn ra mắt dòng iPhone 14.

Mọi thứ bắt đầu khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, có chuyến thăm Đài Loan, nơi mà Trung Quốc xem là lãnh thổ của mình.

Nhiều người lo ngại căng thẳng chính trị gia tăng ảnh hưởng đến việc sản xuất và ra mắt dòng iPhone 14.

Apple đã giao việc sản xuất chipset của mình cho TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Đài Loan).

Trung Quốc là địa điểm chính của các nhà cung cấp linh kiện cho iPhone.

apple-co-the-hoan-ra-mat-iphone-14.jpg
Apple có thể hoãn ra mắt iPhone 14 do căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan

Hôm 5.8, tờ Nikkei đưa tin rằng Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đảm bảo các chuyến hàng từ Đài Loan đến Trung Quốc được dán nhãn sản xuất tại “Đài Loan, Trung Quốc” hoặc “Đài Bắc Trung Hoa”, thay vì chỉ đơn giản là “Đài Loan” hoặc tên chính thức của nó là “Trung Hoa Dân Quốc”.

Các chuyến hàng từ Đài Loan đến nhà máy Pegatron Corporation ở thành phố Tô Châu, Trung Quốc, nơi sản xuất các sản phẩm khác nhau cho các công ty Mỹ và Đài Loan, đã bị Trung Quốc tạm dừng. Hải quan đang giữ lại các lô hàng này kiểm tra tài liệu vận chuyển để tìm bất kỳ sự đề cập nào về Đài Loan hoặc tên gọi chính thức "Trung Hoa Dân Quốc" của nó.

Pegatron Corporation là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple với một số mẫu iPhone nhất định.

Trong chuyến thăm Đài Loan, bà Nancy Pelosi đã chụp ảnh với Phó chủ tịch Pegatron Corporation - Jason Chen và các lãnh đạo doanh nghiệp khác trong ngành công nghiệp chip.

Một cuộc chiến thương mại có thể xuất phát từ căng thẳng hiện có sẽ cản trở việc sản xuất dòng iPhone 14.

Các công ty điện tử Đài Loan, bao gồm cả các nhà sản xuất chip và nhà máy lắp ráp, đang cố gắng chống chọi với căng thẳng địa chính trị sau chuyến thăm đảo này của bà Nancy Pelosi.

Hôm 5.8, Pegatron Corporation đã đưa ra tuyên bố cho Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan, bác bỏ thông tin từ phương tiện truyền thông rằng việc sản xuất và vận chuyển tại nhà máy của công ty ở Trung Quốc bị buộc phải tạm ngừng sau chuyến thăm gây tranh cãi.

United Microelectronics Corp (UMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng của Đài Loan, cũng tìm cách tách mình khỏi nhà sáng lập Robert Tsao, người cùng ngày cam kết tài trợ 3 tỉ Tân Đài tệ (100 triệu USD) để giúp Đài Loan củng cố khả năng phòng thủ của mình.

Ông Robert Tsao mô tả các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc xung quanh Đài Loan là "sự xấc xược không thể chịu đựng được".

Ông Robert Tsao đã nghỉ hưu ở UMC hơn 10 năm trước. Ông ấy không liên quan gì đến UMC”, UMC cho biết trong tuyên bố với truyền thông Trung Quốc hôm 5.8.

Ma Xiaoguang, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, đã chỉ trích các động thái của ông Robert Tsao trong một cuộc họp báo hôm 5.8, nói rằng doanh nhân này “không đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở Đài Loan, cũng không phải người Đài Loan”.

Thành lập UMC vào năm 1980, Robert Tsao từ chức chủ tịch công ty và rời hội đồng quản trị vào năm 2005, sau sự giám sát của chính quyền Đài Loan về các khoản đầu tư bất hợp pháp vào xưởng đúc bán dẫn Hejian Technology Corp (Trung Quốc).

Robert Tsao đã từ bỏ quốc tịch của mình để di cư đến Singapore năm 2011, sau đó trở thành nhà phê bình với Trung Quốc.

Pegatron Corporation, UMC và Apple đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.

Các phản ứng với chuyến thăm của bà Nancy Pelosi phản ánh nỗ lực kiểm soát thiệt hại rộng hơn từ các công ty Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Đài Loan. Vai trò quan trọng của Đài Loan trong lĩnh vực điện tử toàn cầu, đặc biệt là với tư cách là nhà cung cấp chất bán dẫn tiên tiến lớn nhất thế giới, đã dẫn đến những lo ngại về việc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Trong cuộc họp với các lãnh đạo Pegatron Corporation và TSMC, bà Nancy Pelosi đã nói chuyện với Chủ tịch TSMC Mark Liu về đạo luật Chips and Science (Chips và Khoa học) của Mỹ. Jason Cheng - Phó chủ tịch Pegatron cũng có mặt tại cuộc họp.

Đạo luật Chips and Science đã được Quốc hội thông qua lần cuối vào tuần trước và dự kiến ​​sẽ được ký thành luật trong vòng vài ngày. Bắc Kinh coi đạo luật này là một cách để Mỹ làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi, Trung Quốc đã cấm Đài Loan nhập khẩu nhiều mặt hàng thực phẩm, bao gồm một số loại bánh kẹo, bánh quy, bánh mì, trái cây họ cam quýt, sò điệp trắng ướp lạnh và cá thu đông lạnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã hạn chế xử phạt bất kỳ thiết bị điện tử nào, bao gồm cả chất bán dẫn mà các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang dựa vào.

Đã có nhiều tin đồn liên quan đến iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max. Theo các báo cáo, iPhone 14 Pro sẽ được bán với giá từ 1.099 USD, trong khi iPhone 14 Pro Max có giá từ 1.199 USD.

Về cấu hình, iPhone 14 Pro và Pro Max sẽ trang bị chip A16 Bionic, đi kèm với màn hình OLED 6,1 inch và 6,7 inch 120Hz. Về camera, lần đầu tiên iPhone 14 Pro và Pro Max sẽ được tích hợp camera chính 48 megapixel cùng hai camera 12 megapixel khác để hoàn thành thiết lập ba camera phía sau.

iPhone 14 Pro/Pro Max sẽ hỗ trợ RAM 8GB và bộ nhớ trong 128GB, 256GB, 512GB, 1TB. Dung lượng pin iPhone 14 Pro và Pro Max lần lượt là 3.200 mAh và 4.323 mAh. Máy chạy hệ điều hành iOS 16 với màn hình có tính năng Always On Display (luôn hiển thị).

iPhone 14 Pro và 14 Pro Max hỗ trợ Always On Display do có thể giảm tần số quét màn hình xuống 1 Hz khi hiện ảnh tĩnh, giúp tiết kiệm pin. Màn hình iPhone 13 Pro và Pro Max chỉ thay đổi tần số quét trong khoảng 10 - 120 Hz.

iPhone 14 Pro và Pro Max sẽ là hai mẫu có sự thay đổi lớn nhất. Camera mặt trước máy hỗ trợ lấy nét tự động, camera sau hỗ trợ chụp ảnh 48 megapixel và quay video 8K.

iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max sẽ sử dụng màn hình đục lỗ thay vì có notch. Điều này sẽ giải phóng thêm không gian màn hình.

iPhone 14 và iPhone 14 Max (hoặc iPhone 14 Plus) sẽ vẫn giữ màn hình với notch. Hơn nữa, hai mẫu smartphone này sẽ tiếp tục dùng chip A15 Bionic như dòng iPhone 13.

Apple có thể bán phiên bản iPhone 14 chỉ eSIM và hướng đến tương lai bỏ hỗ trợ SIM vật lý.

Vào đầu năm nay, nhà phân tích Emma Mohr-McClune của hãng GlobalData nói “một chiếc iPhone chỉ sử dụng eSIM luôn là câu hỏi về khi nào chứ không phải nếu, nhưng đến nay vẫn chưa có sự cân nhắc đầy đủ về việc làm thế nào”.

Dù Apple không thực hiện cách tiếp cận “vụ nổ lớn” với iPhone 14 bằng cách loại bỏ SIM vật lý và chỉ đặt cược vào công nghệ eSIM, nhưng smartphone này có thể bắt đầu mang đến tùy chọn chỉ eSIM.

Chúng tôi không tin rằng Apple sẽ thực hiện cách tiếp cận vụ nổ lớn - loại bỏ các hệ thống hiện có và chuyển tất cả người dùng sang eSIM, mà tung ra một biến thể chỉ eSIM của mô hình mới sắp ra mắt và vẫn giữ lại bản eSIM cộng mô hình khe cắm SIM vật lý cho thị trường đại chúng cùng kênh của nhà cung cấp dịch vụ chính. Để đạt được điều đó, chúng tôi tin rằng các công ty viễn thông sẽ được lựa chọn có nên dự trữ và bán một biến thể iPhone chỉ eSIM mới cùng các mẫu hỗ trợ eSIM kép cộng SIM vật lý thân thiện với doanh nghiệp hơn không”, Emma Mohr-McClune cho hay.

Apple bắt đầu nhường chỗ cho công nghệ eSIM trên iPhone XS. Giờ đây, với iPhone 13, công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) cho phép bạn có hai eSIM hoạt động cùng lúc, đồng nghĩa nghĩa là bạn thậm chí không cần phải sử dụng thẻ SIM vật lý.

Sơn Vân