‘Cơn bão’ chống tham nhũng quét qua ngành bán dẫn Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 09:33, 09/08/2022

Kể từ giữa tháng 7 đến nay đã có hàng loạt nhân vật cấp cao liên quan đến một quỹ đầu tư ngành bán dẫn Trung Quốc bị điều tra.

Đợt điều tra bắt đầu từ cựu giám đốc công ty chuyên đầu tư ngành bán dẫn Sino IC Capital Lộ Quân, sau đó đến hai nhân viên Quỹ đầu tư Ngành công nghiệp vi mạch quốc gia Trung Quốc (CICF) Vương Văn Trung và Dương Chinh Phàm, tiếp theo là Chủ tịch CICF Đinh Văn Vũ.

Bê bối tham nhũng cũng làm rung chuyển cả tập đoàn Tử Quang (Tsinghua Unigroup) – đơn vị nhận đầu tư từ CICF nhiều nhất. Cựu Chủ tịch Triệu Vĩ Quốc cùng hai giám đốc bị bắt.

Sino IC Capital là chủ quản của CICF, Lộ và Đinh đều là nhân vật đưa ra quyết định đầu tư quan trọng. Chủ tịch Đinh phụ trách lập chiến lược cùng phê duyệt dự án lớn, giám đốc Lộ chịu trách nhiệm triển khai và quản lý vốn.

Một số nguồn tin tiết lộ Văn phòng Kiểm toán quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu điều tra CICF cùng nhiều đơn vị nhận đầu tư từ tháng 9 năm ngoái. Lâu nay có tin đồn đội ngũ nhân sự CICF cấp cao thu lợi phi pháp từ loạt đơn vị họ rót tiền.

Một trong những dự án gây tranh cãi là khoản đầu tư 400 triệu Nhân dân tệ (gần 60 triệu USD) cho công ty Vi điện tử Quốc Khoa (Hồ Nam) năm 2015. Quốc Khoa kinh doanh ở mảng chip TV rất đông đúc, doanh thu thời điểm đó sụt giảm vì cạnh tranh giá, nhưng CICF - đặc biệt cá nhân Chủ tịch Đinh - lại hết lòng hỗ trợ công ty.

Sau khi Chủ tịch Đinh bị điều tra, có thông tin nhà sáng lập công ty Quốc Khoa cũng chịu số phận tương tự.

co998f9623f18673a1ad1723d129b2958b.jpeg
Đợt điều tra tham nhũng ngành bán dẫn bắt đầu từ vụ bắt giữ cựu giám đốc Sino IC Capital Lộ Quân - Ảnh: Sohu

CICF ra đời năm 2014 với tư cách quỹ đầu tư ngành lớn nhất Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch xây dựng ngành bán dẫn nội địa lớn mạnh.

Trong thời gian đầu quỹ huy động được hơn 130 tỉ tệ (hơn 19 tỉ USD) từ nhiều đơn vị đầu tư nhà nước có tiềm lực tài chính lớn như Bộ Tài chính Trung Quốc, công ty thuốc lá China Tobacco, công ty mạng di động China Mobile, ngân hàng Phát triển quốc gia Trung Quốc (CDB).

Lúc đợt vốn đầu tiên được giải ngân hết vào năm 2018, CICF đầu tư vào hơn 60 công ty trong nước có hoạt động kinh doanh liên quan đến sản xuất chip. Đợt huy động vốn thứ hai năm 2019 thu về 200 tỉ tệ (gần 30 tỉ USD).

8 năm qua CICF xây dựng được danh mục đầu tư rất phong phú, hỗ trợ nhiều công ty đầu ngành như SMIC hay Hoa Hồng phát triển. Quỹ hiện nắm cổ phần trong 34 công ty niêm yết, đồng thời còn đầu tư vào các tổ chức đầu tư ngành bán dẫn khác như Oriza Holdings và SummitView Capital.

Theo giám đốc một công ty chip: “Chu kỳ đầu tư của ngành công nghiệp chip rất dài và đòi hỏi một số tiền khổng lồ. Các quỹ dựa vào thị trường thường ngần ngại đầu tư, CICF đem lại nguồn tiền cần thiết”.

Tuy nhiên hàng loạt bê bối làm dấy lên nghi ngờ về hiệu quả lẫn tương lai của CICF. Tiếng nói chỉ trích càng gia tăng trong vài năm gần đây khi một số dự án nhận đầu tư từ quỹ gặp khó khăn, trong đó có vụ tập đoàn Tử Quang phá sản.

Nhiều người cho rằng CICF đã hoàn thành sứ mệnh, nay phải giao lại thị trường cho các quỹ đầu tư nhận hậu thuẫn từ chính quyền địa phương và đơn vị đầu tư tư nhân. Một số chuyên gia nhận định CICF vẫn còn vai trò nhất định, đặc biệt khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng tăng trợ cấp nhà nước cho ngành bán dẫn nội địa. Hơn nữa không ít công ty bán dẫn Trung Quốc còn non trẻ, hoạt động chưa sinh lời.

Trước “cơn bão” chống tham nhũng đang quét qua, đội ngũ CICF nay cẩn trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư, tập trung vào dự án trước đó hoặc dự án đủ năng lực. Trong giai đoạn hai quỹ đầu tư 90 triệu tệ (hơn 13 triệu USD) vào 38 công ty – 75% số vốn dành cho dự án chế tạo đĩa bán dẫn, theo công ty nghiên cứu thị trường CSC Financial.

Cẩm Bình