Đài Loan tự tin Trung Quốc sẽ không áp thêm trừng phạt kinh tế
Chuyển động - Ngày đăng : 15:34, 09/08/2022
Theo trưởng bộ phận thống kê trực thuộc cơ quan tài chính Đài Loan Beatrice Tsai: “Chúng tôi nghĩ có rất ít khả năng Trung Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn với doanh nghiệp Đài Loan do mối quan hệ kinh tế phụ thuộc. Các ngành điện tử ở cả hai nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhau”.
Phản ứng với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tuần trước, Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát tự nhiên và cấm nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng Đài Loan (chủ yếu là nông sản và thực phẩm).
Đài Loan ngày 8.8 công bố dữ liệu thương mại tốt hơn dự kiến: xuất khẩu tháng 7 tăng 14,2% so với một năm trước – đưa tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 43,3 tỉ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục đình trệ vì COVID-19: xuất khẩu tháng 7 chỉ tăng 3%, sau khi sụt giảm vào tháng 6.
Mặc dù vậy Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đài Loan. Trong tháng 7 kim ngạch hàng xuất sang Trung Quốc đạt hơn 16 tỉ USD, kim ngạch hàng xuất sang Mỹ đạt gần 7 tỉ USD. Giới chuyên gia kinh tế trước đó cảnh báo có nguy cơ Trung Quốc mở rộng trừng phạt sang cả lĩnh vực sản xuất và bán dẫn.
Xuất khẩu nông sản từ Đài Loan sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái. Theo nhà kinh tế Adrienne Lui, thuộc ngân hàng Citigroup: “Lệnh cấm nhập khẩu vừa ban hành đến nay vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng với tình hình địa chính trị dễ biến động, nhiều mặt hàng xuất sang Trung Quốc quan trọng khác vẫn tồn tại rủi ro”.
Một lo ngại khác là ngành vận tải biển bị tập trận ảnh hưởng. Vào ngày 8.8, hoạt động vận tải ở eo biển Đài Loan có dấu hiệu trở lại bình thường.
Bà Tsai dự đoán nếu vận tại biển không chịu gián đoạn lớn và Trung Quốc không áp đặt trừng phạt kinh tế mới, xuất khẩu tháng 8 có khả năng tăng 8 - 12%. Tuy nhiên quan chức này thừa nhận tình hình eo biển Đài Loan diễn biến khó lường.
Ngoài mối nguy Trung Quốc, Đài Loan còn phải đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu sản phẩm điện tử. Nhà kinh tế Grace Ng thuộc ngân hàng JP Morgan Chase chỉ ra rằng việc không cần phải làm việc tại nhà nữa có thể khiến nhu cầu trong ngành công nghệ đảo tự trị mất động lực tăng trưởng vào nửa cuối năm.