Tình trạng viên chức y tế nghỉ việc hàng loạt: Cách nào chấm dứt?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:20, 09/08/2022

Sau hơn 2 năm cả nước nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19 có những chuyển biến tích cực thì lại xảy ra tình trạng hàng loạt cán bộ nhân viên y tế từ địa phương đến trung ương đồng loạt xin nghỉ việc.

Nghỉ việc hàng loạt

Trong những tháng cuối năm 2021 đầu năm 2022 đã có hơn 5.000 viên chức y tế thuộc các sở y tế tỉnh thành xin nghỉ việc, có 420 viên chức tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế xin thôi việc. Hàng loạt các y bác sĩ ở TP.HCM, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Thuận, Hà Nội... đã rời khỏi nơi làm việc mà họ gắn bó lâu dài. Riêng tại thủ đô Hà Nội, theo báo cáo sơ bộ từ cuối năm 2021 đến giữa 2022 có tới gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Lý giải về việc các y bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ hàng loạt, bác sĩ Lê Quang Trung - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai cho rằng việc dịch chuyển lao động, chuyển từ nơi thu nhập thấp sang nơi có thu nhập cao hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống theo quy luật tự nhiên. Theo ông, lý do chính là y bác sĩ, nhân viên y tế chịu áp lực công việc quá lớn vì họ vừa làm công tác chuyên môn khám chữa bệnh vừa phải kiêm thêm nhiệm vụ phòng chống dịch, khối lượng công việc tăng gấp 3 lần trước đó, trong khi thu nhập lại quá thấp.

Chia sẻ về việc thôi làm y sĩ tại một trạm y tế ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), anh Nguyễn Việt Tùng cho hay sau 8 năm gắn bó anh đã rời bỏ công việc tại trạm. "Có người chỉ trích tôi bỏ chạy ngay lúc đỉnh dịch COVID-19, để lại đồng nghiệp chịu trận cực khổ. Tôi buồn, nhưng không giải thích, vì thực tế mình đã nộp đơn xin nghỉ lần đầu vào giữa tháng 5, khi dịch mới chớm". Đơn xin thôi việc của anh Tùng đã được lãnh đạo tiếp nhận hồi đầu tháng 6, đến đầu tháng 7 các thủ tục hoàn tất, anh chính thức rời đi để tập trung vào kinh doanh - công việc trước đó vốn là nghề tay trái. "Tôi đã suy nghĩ cả năm trời, cân nhắc nhiều lần mới quyết định", anh nói.

Cũng như anh Tùng, chị Hoài một nhân viên y tế tại trạm y tế phường ở Hà Nội cho hay: “Mức lương của tôi là 6 triệu đồng, các chị em ở trạm có người 2 triệu, có người 4 triệu, con số nói ra không ai tin dù đó là sự thật. Muốn làm được việc phải có cái bụng no, yên tâm về gia đình, không yên tâm về gia đình không thể cống hiến được dù bạn yêu nghề đến mấy. Tôi cũng chạnh lòng, khi bạn bè đi làm ở chỗ khác nhẹ nhàng với mức lương 10, 20 triệu. Bạn bè muốn mua 1 cái váy, mua đồ tặng cho bố mẹ cũng không quá khó khăn. Mình đồng lương chả đủ ăn, tặng gì được cho ai? Nhiều lúc các chị em ở trạm cứ trêu để động viên nhau: Công việc bận như này làm gì có thời gian để tiêu tiền”.

covid-8.png
Các nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả trong đợt dịch COVID-19

Nguyên nhân chảy chất xám y tế công lập

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trước thực trạng nhân viên y tế rời khỏi bệnh viện công, cấp thiết phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn.

"Không một ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả. Đó là bài toán khó mà không phải chỉ riêng ngành y tế có thể giải đáp được", ông Nga nói.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhìn nhận các nhân viên y tế xin nghỉ việc, chứng tỏ nơi đó không còn đủ hấp dẫn, không còn đủ sức giữ chân họ (về lương, phụ cấp, điều kiện làm việc…) trước nhiều ngã rẽ khác. Tuy nhiên với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, ông Quang cho rằng việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Điều đầu tiên phải kể đến là các y bác sĩ nghỉ việc do thu nhập thấp - đây là nguyên nhân quan trọng nhất. Một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Thời điểm ấy, họ đã chừng 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Mức lương khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được. Trong khi đó, người giúp việc nhà hiện nay có lương khoảng 7 - 10 triệu đồng, người phụ hồ được chi trả hơn 300 nghìn đồng/ngày công, thu nhập 9 - 10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh.

Điều thứ 2 chính là áp lực công việc nặng nề và an toàn nghề nghiệp chưa bảo đảm. Làm ở khu vực y tế công, không chỉ đối mặt với áp lực công việc lớn, trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên bác sĩ, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, họ còn phải đối diện với sự xúc phạm, thậm chí đe dọa đến sức khỏe và tính mạng từ phía người bệnh và thân nhân. Tuy nhiên, cơ chế để bảo vệ họ còn nhiều bất cập, thậm chí gần như là không có.

Thứ 3 là thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là vật tư tiêu hao, thiết bị y tế chưa đáp ứng đầy đủ. Để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị, cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế. Có như vậy bác sĩ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh. Tuy nhiên hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế trong khi ở bệnh viện tư, họ sẵn sàng đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế.

Thứ 4, môi trường làm việc chưa thật sự được đáp ứng. Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Điều đó đẫn đến tâm lý công việc của mình không được đánh giá công bằng, khách quan. Trong khi đó, nếu ra làm việc ở các bệnh viện tư họ lại cảm thấy thoải mái, yên tâm cống hiến do được đánh giá đúng năng lực.

Thứ 5, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng thực hành y khoa của bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công cũng khác so với khu vực tư nhân. Khi làm ở khu vực công, y bác sĩ muốn đi học phải chờ lần lượt, phải đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện... Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân nếu muốn đi học, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo, nâng cao tay nghề.

Thứ 6, khả năng thăng tiến cũng có sự khác biệt. Tại bệnh viện công, muốn làm trưởng - phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt... Trong khi đó ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề cao, kỹ năng thực hành y khoa tốt, có uy tín, đông bệnh nhân… là đã có thể được bổ nhiệm.

Thứ 7, quản trị bệnh viện công khác so với bệnh viện tư. Việc quản lý các bệnh viện công vẫn theo thói quen từ trước đến nay nên ít có sự thay đổi trong khi ở khu vực y tế tư nhân lại được đặc biệt chú trọng, thay đổi thường xuyên, tiếp cận được với các phương thức quản trị bệnh viện trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thu hút bác sĩ, nhân viên y tế chuyển đến khu vực y tế tư nhân.

Theo chia sẻ của giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương, trong thời gian dịch COVID-19, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị sụt giảm rất nhiều. Bệnh viện rất khó khăn để cầm cự giữ được mức lương cơ bản cho cán bộ, nhân viên. Hơn 2 năm chống dịch vất vả, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đi tăng cường phía nam chống dịch đã làm việc kiệt sức, song thù lao họ nhận được chưa tương xứng với công sức, vất vả họ bỏ ra. “Có nhân viên điều dưỡng xin nghỉ việc vì thời gian dịch cô ấy đã bán hàng online và thấy thu nhập cao hơn so với nghề điều dưỡng vất vả, lương thấp”, vị giám đốc chia sẻ.

Trong cuộc họp 6 tháng đầu năm của ngành y tế được tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết nguyên nhân của việc cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy, khó giữ chân cán bộ y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 - 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 - 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Tại một số tỉnh miền núi, vùng hải đảo, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ y tế trẻ có trình độ đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc tại địa phương so với những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội và có cơ hội học hành tốt hơn. Một số cán bộ y tế công công tác tại các tỉnh vùng cao khi học xong đã xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển công tác.

Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc hàng loạt của y tế công lập trong thời gian vừa qua.

Giải pháp trước mắt

Việc “chảy chất xám” ở các tuyến y tế công lập đang đặt ngành y tế trước nguy cơ khủng hoảng do thiếu nhân lực đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nguy cơ dẫn đến đứt gãy hệ thống y tế.

Nhận thức vấn đề nghiêm trọng này, Bộ Y tế đã động viên tinh thần, tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; huy động các nguồn lực của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế, nhằm giảm bớt khó khăn; tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là những viên chức có trình độ chuyên môn cao; xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc ở các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế ở các vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn.

Bộ Y tế đang xây dựng tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bộ đang trình Chính phủ cho phép xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011-NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp và ưu đãi theo nghề đã được quy định tại điều 3 Nghị định 56 đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 40 - 70% lên mức 100%; quan tâm hơn về những chính sách đời sống cán bộ, nhân viên y tế, tạo động lực cho y  bác sĩ gắn bó với công việc y tế cơ sở; khẳng định uy tín y tế công lập là bộ phận không thể tách rời trong đời sống người dân...

Hoàng Hồng