Tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng hàng loạt bệnh tật ở người
Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:17, 10/08/2022
Các nhà nghiên cứu cho biết các bệnh như Zika, sốt rét, sốt xuất huyết, chikungunya, thậm chí cả COVID-19 cũng đã trở nên trầm trọng hơn do tác động của khí hậu như sóng nhiệt, cháy rừng, mưa lớn và lũ lụt. Nhìn chung, có hơn 1.000 cách khác nhau để những tác động này làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh.
Sự nóng lên toàn cầu và lượng mưa thay đổi đang mở rộng phạm vi hoạt động của các vật trung gian truyền bệnh như muỗi, ve và bọ chét, dẫn đến sự lây lan của bệnh sốt rét, bệnh Lyme, vi rút Tây sông Nile và các bệnh khác.
Các trận bão và lũ lụt lớn liên tiếp xảy ra đã khiến con người buộc phải di tản, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày và dịch tả. Bên cạnh đó, tác động của khí hậu làm suy yếu khả năng chống chọi với một số mầm bệnh của con người, chẳng hạn như hạn hán có thể dẫn đến điều kiện vệ sinh kém, dẫn đến bệnh kiết lỵ, thương hàn, sốt và các bệnh khác.
Camilo Mora, một nhà địa lý học tại Đại học Hawaii (Mỹ), người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: "Biến đổi khí hậu có liên quan đến sự bùng phát của nhiều dịch bệnh. Có những căn bệnh chỉ chực chờ để được bùng phát".
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu hơn 70.000 bài báo khoa học để phân tích mối liên hệ giữa các hiểm họa khí hậu khác nhau và bệnh truyền nhiễm. Một số bài báo này đã xem xét bằng chứng kéo dài 700 năm trước khi cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra. Trong số 375 bệnh truyền nhiễm khác nhau được đề cập trong các bài báo, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 218 loại bệnh đã trở nên trầm trọng hơn do tác động của khí hậu. Chúng hiện đang trở nên phổ biến hơn do sự nóng lên toàn cầu.
Kira Webster, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết cơ sở dữ liệu về bệnh tật ngày càng tăng đã cho thấy con người đang trở nên dễ bị tổn thương như thế nào khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang ngày càng gia tăng.
Mora cho biết, có thể có nhiều cách khiến cuộc khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng thêm sự lây lan của đại dịch COVID-19, chẳng hạn như xáo trộn môi trường sống do cháy rừng và lũ lụt khiến các động vật hoang dã như dơi mang mầm bệnh đến các khu vực gần nơi con người sinh sống. Mora cho biết, bản thân anh đã bị đau khớp mãn tính sau khi mắc bệnh chikungunya trong đợt bùng phát dịch ở Colombia (Mỹ) vài năm trước - sau một thời gian mưa dữ dội khiến số lượng muỗi phát triển dữ dội.
"Nếu có mầm bệnh đang âm thầm gây hại cho con người, thì biến đổi khí hậu đang thúc đẩy chúng mạnh mẽ hơn. Thật là sốc khi chúng tôi không xem xét điều này nghiêm túc hơn", ông Mora nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu "có nguy cơ làm mất đi 50 năm tiến bộ trong quá trình phát triển y tế toàn cầu và xóa đói giảm nghèo" và ước tính rằng sẽ có thêm 250.000 người chết mỗi năm từ năm 2030 - 2050 do dịch bệnh gia tăng, chẳng hạn như sốt rét và tiêu chảy cũng như suy dinh dưỡng và sốc nhiệt.
Aaron Bernstein, Giám đốc trung tâm khí hậu, sức khỏe và môi trường toàn cầu tại Đại học Harvard (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: "Khoa học khí hậu đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu làm cho nhiều nơi trên thế giới trở nên quá nóng, quá khô, quá ẩm ướt và cuối cùng là không thích hợp để người dân duy trì sinh kế. Sự di cư ồ ạt của người dân có thể làm bùng phát các loại bệnh truyền nhiễm, từ viêm màng não cho đến HIV. Nói tóm lại, khí hậu không ổn định tạo ra mảnh đất màu mỡ cho bệnh truyền nhiễm bén rễ và lây lan".