Những tháng cuối năm, doanh nghiệp đối mặt hàng loạt khó khăn

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:22, 11/08/2022

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp cho thấy các tháng cuối năm 2022 dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Sáng 11.8, tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, vào thời điểm này năm ngoái, tâm trạng chúng ta rất lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đến nay, sau 2 năm chống dịch và 7 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ lớn nhất là kiểm soát dịch bệnh chúng ta đã làm được.

Về kinh tế, vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, GDP tăng 7,72% trong quý 2/2022, bảo đảm các cân đối lớn (thu-chi, xuất nhập khẩu, lương thực-thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động), đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nhìn chung được nâng lên…

th-tuong.jpg
Thủ tướng chủ trì hội nghị với doanh nghiệp

Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi vừa chống dịch, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian qua.

“Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức, với tình cảm, tinh thần nhân văn cao cả theo truyền thống, đạo lý "lá lành đùm lá rách", càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho biết cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất tiếp tục đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn biến động, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục kể từ 3-4 thập kỷ gần đây. An ninh năng lượng, an ninh lương thực đang ở mức đáng báo động…

Ngoài ra, nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của nước ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục xu hướng gia tăng. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022.

Với Việt Nam, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Mặc dù có những thuận lợi, kế thừa thành quả của những nhiệm kỳ trước, song vẫn có những khó khăn nội tại, những vấn đề tồn đọng nhiều năm phải xử lý.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, tập trung, bảo đảm hiệu quả.

“Chúng ta cũng đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trong đó, có yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh”, Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy các tháng cuối năm 2022 dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm; chi phí logistics tăng cao từ 3 - 5 lần. Mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý 2/2022 so với quý trước đó và cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; đồng thời, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động; việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Thêm vào đó là biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng trên thế giới không ký đơn hàng mới.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh,: nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm; các quy chuẩn về môi trường trong sản xuất chế biến thuỷ sản, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập…

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

Nguyên nhân chủ yếu do sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của một số văn bản quy phạm pháp luật; thiếu thể chế tạo động lực cho cấp thực thi nhất là ở cấp địa phương để họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bộ KH-ĐT cho hay mặc dù hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi nhưng bối cảnh thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường như nguy cơ dịch bệnh COVID-19 và một số dịch bệnh mới bùng phát; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thế giới trong ngắn hạn đang gia tăng; lạm phát tăng cao; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài…

“Thực tiễn này đã đặt ra yêu cầu lớn cho tất cả chúng ta cần phải hành động sớm nhất - hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ”, ông Dũng nêu và cho rằng phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, dám đối mặt để vượt qua những thách thức lớn nhất; chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới to lớn hơn.

Lam Thanh