Sách Trắng mới nhất của Trung Quốc về Đài Loan không hứa hẹn về quyền tự trị
Quốc tế - Ngày đăng : 11:48, 11/08/2022
Sách Trắng thứ 3 về vấn đề Đài Loan có tên “Vấn đề Đài Loan và sự nghiệp thống nhất Trung Quốc trong thời đại mới”, trong đó khẳng định “không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết”.
Theo truyền thông Trung Quốc, việc ban hành Sách Trắng lần này là nhằm tiếp tục tái khẳng định một thực tế và hiện trạng rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, thể hiện “ý chí và quyết tâm của Trung Quốc” trong việc thống nhất đất nước, đồng thời nêu rõ lập trường và chính sách của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy thống nhất Đài Loan trong "thời đại mới" - thuật ngữ thường gắn liền với chính sách quản lý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập dự kiến sẽ được trao nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản vào cuối năm nay.
Sách Trắng cho biết, Trung Quốc luôn coi việc giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất hoàn toàn đất nước là "sứ mệnh lịch sử", đồng thời khẳng định việc thống nhất hai bờ eo biển được quyết định bởi lịch sử và văn hóa của dân tộc. Sách Trắng cho rằng, Trung Quốc “đang tiến gần hơn, tự tin hơn và có khả năng hơn trong việc thực hiện mục tiêu thống nhất hoàn toàn đất nước” so với bất kỳ thời kỳ lịch sử nào.
Tài liệu này cũng nhấn mạnh, “thống nhất trong hòa bình và một quốc gia, hai chế độ” là phương châm cơ bản trong giải quyết vấn đề Đài Loan và là cách tiếp cận tốt nhất để thực hiện thống nhất đất nước. Tuy nhiên Sách Trắng khẳng định Trung Quốc “sẽ không chấp nhận” các hoạt động ly khai đòi “Đài Loan độc lập”, “không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết, nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và các phần tử ly khai đòi "Đài Loan độc lập" cũng như các hoạt động ly khai”, nhấn mạnh “giải pháp phi hòa bình sẽ là phương án cuối cùng được thực hiện trong trường hợp bắt buộc”.
Reuters cho biết, đây là Sách Trắng thứ 3 về vấn đề Đài Loan được Trung Quốc phát hành kể từ năm 1993. Tài liệu này được công bố trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trung Quốc đã tuyên bố trong hai sách trắng trước đây về Đài Loan, vào năm 1993 và 2000, rằng họ "sẽ không điều động quân đội hay nhân viên hành chính đến đóng tại Đài Loan" sau khi đạt được điều Bắc Kinh gọi là "thống nhất".
Đường lối đó, vốn để đảm bảo với Đài Loan rằng họ sẽ được hưởng quyền tự trị sau khi trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, song lập trường này đã không xuất hiện trong sách trắng mới nhất.
Trung Quốc đã đề xuất rằng Đài Loan có thể trở lại chế độ của mình theo mô hình "một quốc, hai chế độ", tương tự như Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, được hưởng khi được Trung Quốc thu hồi vào năm 1997. Điều này sẽ trao cho Đài Loan, vốn theo chế độ dân chủ, phạm vi tự trị nào đó để họ giữ được một phần chế độ chính trị và xã hội của mình.
Tuy nhiên, tất cả các đảng chính trị chính thống của Đài Loan đã bác bỏ đề xuất "một quốc gia, hai chế độ" và nó hầu như không được sự công chúng đảo trự trị ủng hộ theo các cuộc thăm dò dư luận. Chính quyền Đài Loan cho biết chỉ có người dân trên đảo mới có thể quyết định tương lai của họ.
Lập trường cũ trong sách trắng năm 2000 nói rằng "bất cứ điều gì cũng có thể đàm phán" miễn là Đài Loan chấp nhận chỉ có một Trung Quốc và không mưu cầu độc lập, cũng đã "biến mất" trong sách trắng mới nhất.
Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan trước đó đã lên án sách trắng, nói rằng nó "đầy rẫy những điều dối trá và coi thường sự thật" và nhấn mạnh rằng "chỉ 23 triệu người Đài Loan mới có quyền quyết định về tương lai của Đài Loan".