Ảnh vệ tinh cho thấy thềm băng ở Nam Cực bong tróc nhanh hơn dự đoán

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:57, 11/08/2022

Một phân tích vệ tinh cho thấy các sông băng ven biển ở Nam Cực đang làm bong tróc các tảng băng trôi nhanh hơn mức tự nhiên có thể bổ sung lượng băng đang vỡ vụn, gấp đôi ước tính trước đó về thiệt hại từ tảng băng lớn nhất thế giới trong 25 năm qua.

Nghiên cứu đầu tiên thuộc loại này, do các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) gần thành phố Los Angeles (Mỹ) dẫn đầu và được công bố trên Tạp chí Nature, làm dấy lên mối lo ngại mới về việc biến đổi khí hậu nhanh chóng đang làm suy yếu các thềm băng nổi ở Nam Cực và đẩy nhanh sự gia tăng của mực nước biển toàn cầu.

Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực là trung tâm nghiên cứu và phát triển được tài trợ bởi chính phủ liên bang Mỹ, đồng thời là trung tâm chuyên sâu về lĩnh vực sức đẩy phản lực của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ).

Phát hiện quan trọng của nghiên cứu là lượng băng ở Nam Cực mất đi từ các khối sông băng ven biển gần bằng lượng băng ròng mà các nhà khoa học đã biết bị mất do sự mỏng đi bởi sự tan chảy của các thềm băng từ bên dưới do biển ấm lên.

Tổng hợp lại, sự thưa dần và calving (vỡ băng từ rìa sông băng) đã làm giảm khối lượng các thềm băng ở Nam Cực xuống 12.000 tỉ tấn kể từ năm 1997, gấp đôi so với ước tính trước đó, phân tích kết luận.

Theo nhà khoa học Chad Greene của JPL, tác giả chính của nghiên cứu, sự mất mát thực sự của tảng băng lục địa trong 1/4 thế kỷ qua trải dài gần 37.000 km vuông, gần bằng diện tích của Thụy Sĩ.

Chad Greene cho biết trong một thông báo của NASA về những phát hiện này: “Nam Cực đang sụp đổ ở các rìa của nó. Khi các thềm băng thu hẹp và suy yếu, các sông băng khổng lồ của lục địa có xu hướng đẩy nhanh và tăng tốc độ dâng của mực nước biển toàn cầu".

Hậu quả có thể rất lớn. Chad Greene nói Nam Cực nắm giữ 88% tiềm năng mực nước biển của tất cả băng trên thế giới.

Các thềm băng, những tảng nước ngọt đóng băng vĩnh viễn gắn với đất liền, mất hàng ngàn năm để hình thành và hoạt động giống những chiếc bốt giữ lại các sông băng mà nếu không có sẽ dễ dàng trượt ra đại dương, khiến nước biển dâng cao.

Khi các thềm băng ổn định, chu kỳ calving và tái tăng trưởng tự nhiên trong thời gian dài giúp kích thước của chúng khá ổn định.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, các đại dương ấm lên đã làm suy yếu các thềm băng từ bên dưới - hiện tượng trước đây được ghi lại bởi các máy đo độ cao vệ tinh đo lường sự thay đổi chiều cao của băng và cho thấy tổn thất trung bình 149 triệu tấn mỗi năm từ năm 2002 đến 2020, theo NASA.

them-bang-o-nam-cuc-vo-vun-nhanh-hon-tuong-tuong.jpg
Hình ảnh chụp từ trên không của Mặt trước thềm băng Getz cao 60 mét với các vết nứt, ở Nam Cực- Ảnh: Reuters
them-bang-o-nam-cuc-vo-vun-nhanh-hon-tuong-tuong1.jpg
Hình ảnh vệ tinh của NASA MODIS về một thềm băng ở Nam Cực được chụp ngày 21.3. MODIS là bộ cảm có độ phân giải trung bình đặt trên vệ tinh TERRA, được NASA phóng vào quỹ đạo tháng 12.1999 và vệ tinh AQUA được phóng vào quỹ đạo tháng 5.2002 với mục đích quan trắc, theo dõi các thông tin về mặt đất, đại dương và khí quyển trên phạm vi toàn cầu - Ảnh: Reuters

Hình ảnh từ không gian

Muốn phân tích, nhóm của Chad Greene đã tổng hợp hình ảnh vệ tinh từ các bước sóng radar và tia hồng ngoại nhìn thấy được để lập biểu đồ dòng chảy và calving kể từ năm 1997 một cách chính xác hơn bao giờ hết trên 50.000 km đường bờ biển Nam Cực.

Những thiệt hại đo được từ calving vượt quá sự bổ sung của thềm băng tự nhiên lớn đến mức các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng Nam Cực khó có thể trở lại mức trước năm 2000 vào cuối thế kỷ này.

Quá trình làm mỏng băng rõ rệt nhất ở Tây Nam Cực, một khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi các dòng hải lưu ấm lên. Song ngay cả ở Đông Nam Cực, một khu vực mà các thềm băng từ lâu đã được coi là ít bị tổn thương hơn, "chúng tôi đang chứng kiến ​​tổn thất nhiều hơn lợi ích", Chad Greene nói.

Một sự kiện calving ở Đông Nam Cực khiến thế giới bất ngờ là sự sụp đổ và tan rã của thềm băng Conger-Glenzer vào tháng 3.2022, có thể là dấu hiệu của sự suy yếu lớn hơn sắp tới, Chad Greene nói.

Eric Wolff, giáo sư nghiên cứu của Hiệp hội Hoàng gia tại Đại học Cambridge (Anh), đã chỉ ra phân tích của nghiên cứu về cách tảng băng Đông Nam Cực hoạt động trong thời kỳ ấm áp trước đây và mô hình cho những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Eric Wolff viết trong một bài bình luận về nghiên cứu của JPL: “Tin tốt là nếu chúng ta giữ ở mức 2 độ C ấm lên toàn cầu mà thỏa thuận Paris hứa hẹn, mực nước biển dâng do băng ở Đông Nam Cực sẽ ở mức khiêm tốn”.

Tuy nhiên, nếu không kiềm chế được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì sẽ có nguy cơ góp phần làm "mực nước biển dâng nhiều mét trong vài thế kỷ tới", ông nói.

Sơn Vân