Lễ Vu lan: Cài lên ngực bông hồng, nhớ Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Văn hóa - Ngày đăng : 15:49, 11/08/2022

Bông hồng cài áo là một nghi thức đặc biệt trong lễ Vu Lan. Khi cài lên ngực bông hồng, ta lại nhớ Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người truyền cảm hứng để nghi thức tuyệt đẹp này ra đời.

Bắt đầu từ một đoản văn đẹp

Lễ Vu lan còn được gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của những người theo Phật giáo Đại thừa ở nhiều nước trên thế giới, được diễn ra đúng ngày rằm tháng 7 âm lịch. Tại Việt Nam, nguyên tháng này được gọi là “mùa Vu Lan”. Vào đúng ngày Vu lan, các phật tử lên chùa được nhà sư cài lên ngực một đóa hoa hồng. Nếu ai còn mẹ, họ sẽ được cài một bông hồng màu đỏ, nếu không còn mẹ, sẽ được cài một bông trắng. Bông hồng trên ngực mang ý nghĩa tưởng nhớ những người mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế. Nghi thức mang tính biểu tượng này được dân gian gọi là “Bông hồng cài áo”.

Có thể nói "Bông hồng cài áo" là nghi thức mang nhiều ý nghĩa đặc biệt không chỉ cho những người theo đạo Phật mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về sự biết ơn, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành, dưỡng dục mình. Đây cũng là truyền thống đạo lý chung của người Việt Nam.

Bông hồng cài áo cũng chính là tên một đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông viết để tỏ lòng tôn kính mẹ mình. Đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lay động con tim biết bao người bởi tình cảm chân thành mộc mạc của ông được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ  giản dị gần gũi dễ hiểu:

"Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến...".

Bông hồng cài áo được ra đời trong túp lều gỗ

Thời điểm Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết Bông hồng cài áo được xác định là năm 1962, thời gian ông đang nghiên cứu tại Princeton University (Mỹ) sau đó thiền sư về nghỉ hè tại Camp Ockanickon, Medford thuộc tiểu bang New Jersey. Đoản văn tuyệt đẹp này được viết trong một căn lều bằng gỗ tại đây.

Trả lời phỏng vấn trên nguyệt san Giác Ngộ năm 2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xác nhận: "Tôi đã viết đoản văn Bông hồng cài áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong đoàn Sinh viên phật tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn. Bài này gửi qua chị Trương Thị Nhiên. Chị Nhiên và đoàn Sinh viên phật tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay ba trăm bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hay bông màu trắng cho người mất mẹ.

www-motthegioi-vn_dghpy2gtbmhhdc1oyw5olxrpzxutdnu-(2).jpg
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) - Ảnh: Tư liệu

Trong đoản văn Bông hồng cài áo, Thiền sư Thích Nhất hạnh giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Ông viết: “Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu lan". Ông cho biết bông hoa mà cô sinh viên người Nhật cài cho ông trong ngày Mother’s Day ở Đông Kinh là hoa cẩm chướng, không phải hoa hồng.

Lan tỏa tại Sài Gòn

Bông hồng cài áo được đăng nguyên bài lần đầu tiên trong Tập san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần, với tên gọi Nhìn kỹ mẹ. Sau khi được phát hành, đoản văn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có sức hút rất mạnh trong giới phật tử trẻ ở Sài Gòn thời bấy giờ. Các phật tử đã chép Bông hồng cài áo thành hàng trăm bản và cho phổ biến ngay trong nội bộ đoàn phật tử.

Năm 1964, Nhà xuất bản Lá Bối (Sài Gòn) đã ra mắt độc giả bằng quyển Bông hồng cài áo, quyển sách được in khổ dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu lan. Quyển sách này cũng đã được tái bản nhiều lần.

www-motthegioi-vn_mv9ib25nlwhvbmcty2fplwfvlw10zw-.jpg
Bản in Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh  - Ảnh: Tư liệu

Năm 1965 đoàn cải lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở Bông hồng cài áo. Vở diễn đã gây xúc động mạnh trong công chúng miền Nam. Ngoài ra Bông hồng cài áo cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Lào...

Nghi thức Bông hồng cài áo ra đời

Nhiều tài liệu ghi nhận, nghi thức “Bông hồng cài áo” lần đầu tiên được thực hiện tại Sài Gòn vào năm 1962. Năm đó Đoàn sinh viên phật tử Sài Gòn tổ chức lễ Vu lan tại chùa Xá Lợi, trong buổi lễ, ban tổ chức đã mời tất cả những người dự lễ nếu còn mẹ cài một bông hoa hồng màu đỏ lên áo, những người mất mẹ cài một bông hoa hồng màu trắng trên áo. Về sự kiện này, sinh thời thầy Thích Nhất Hạnh cũng xác nhận: “Rằm tháng bảy năm ấy họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên”.

Từ văn chương đến âm nhạc

Vào những năm 1965-1966, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý chính đoản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để viết thành ca khúc cùng tên.

chan-dung-co-nhac-si-pham-the-my-1-5437.jpg
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 - 2009) - Ảnh: Tư liệu

Chuyện kể rằng trong do tham gia phong trào đấu tranh Phật giáo, ông bị chính quyền đương thời bắt giam. Trong thời gian ở tù, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ không nguôi nhớ về mẹ, ông luôn lo lắng không biết mẹ mình ở bên ngoài như thế nào, vô tình đọc được đoản văn của thầy Thích Nhất Hạnh nên rất cảm động và càng thương mẹ nhiều hơn. Sau khi ra tù nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã xin phép Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho ông lấy ý của đoản văn để sáng tác bài Bông hồng cài áo.

bhca.jpg
Bài hát Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ xuẩt bản trước năm 1975 tại Sài Gòn - Ảnh: T.L 

Tác phẩm ra đời vào khoảng năm 1965-1966 đã được công chúng đón nhận bởi giai điệu và lời ca nhẹ nhàng nhưng rất đỗi xúc động về tình mẫu tử. Từ đó bài hát không chỉ được hát lên ở mỗi mùa lễ Vu lan mà bất cứ thời điểm nào. Bông hồng cài áo cũng được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam chọn để hát, trong số đó có Thái Thanh, Duy Khánh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Miên Đức Thắng, Họa Mi, Nguyễn Hưng, Cẩm Vân, Quang Linh, Bằng Kiều, Đan Trường, Mạnh Quỳnh, Long Nhật…

Chúng ta đang trong những ngày mùa Vu lan báo hiếu. Dù là người theo hoặc không theo đạo Phật, khi đọc đoản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và nghe giai điệu tuyệt đẹp cũng những ca từ chứa chan tình cảm về tình mẫu tử của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, chắc chắn sẽ có những cảm xúc rất đặc biệt khi nghĩ về mẹ, về đấng sinh thành. Nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi".

Nghe Bông hồng cài áo qua tiếng hát của ca sĩ Họa Mi

Tiểu Vũ