Hà Tĩnh: Gắp thành công xương cá nằm trong phế quản người đàn ông suốt 2 tháng

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:23, 11/08/2022

Nam bệnh nhân 57 tuổi ho ra máu nên đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để khám thì phát hiện mẩu xướng cá nằm trong phế quản.

Chiều 11.8, bác sĩ Thái Văn Nhật, Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa nội soi gắp thành công mẩu xương cá nằm trong phế quản bệnh nhân 57 tuổi.

Theo đó, bệnh nhân P.V.N. (57 tuổi, trú phường Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh) vào viện vì ho khạc đờm 2 tháng nay. Ngày 10.8, bệnh nhân ho ra máu nên vào khoa Nội tổng hợp điều trị.

hoc-xuong-ca-3.jpg
Xương cá trong phế quản bệnh nhân P.V.N. được nhìn thấy qua kỹ thuật nội soi

Bệnh nhân P.V.N. vào khoa trong tình trạng mệt mỏi, ăn ngủ kém, ho ra máu. Bệnh nhân được khám, chẩn đoán ho ra máu/viêm phổi; xử trí cầm máu, giảm ho. Các bác sĩ tiến hành chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc cản quang, kết quả phát hiện dị vật ở thùy giữa, thùy dưới phổi phải.

Tiếp đó, bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm, phát hiện dị vật nghi xương cá trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải. Kíp nội noi tiến hành gắp dị vật thành công lấy ra 1 xương cá kích thước khoảng 10,5mm. Sau nội soi bệnh nhân tỉnh, ăn uống lại bình thường, không ho ra máu.

Theo bác sĩ Nhật, kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm cho phép bác sĩ kiểm tra bên trong hệ thống cây phế quản, vào tận nhu mô phổi giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý ở phổi như lao phổi, u phổi, ung thư phổi, dị vật phế quản; hỗ trợ bơm rửa lòng phế quản trên các bệnh nhân nằm hồi sức tích cực giúp cai máy thở sớm. Thủ thuật diễn ra nhanh chóng, không đau, hiệu quả cao.

hoc-xuong-ca.jpg
Mẩu xương cá được gắp ra từ phế quản bệnh nhân P.V.N. 

Lời khuyên của bác sĩ khi bị hóc xương cá:

Khi bị hóc xương cá phải ngừng nuốt ngay lập tức. Nhiều người thường cố nuốt để giúp xương trôi xuống, nhưng việc này vô tình khiến cho xương càng đâm sâu và gây tổn thương. Không nên khạc mạnh nhiều lần hay thử ăn bất cứ thứ gì để giúp đẩy xương xuống bởi rất dễ bị nghẹn.

Cố gắng nôn ra càng sớm càng tốt. Chú ý tuyệt đối không được dùng tay đưa vào cổ họng, bởi thao tác này sẽ đẩy xương xuống cổ họng sâu hơn.

Hãy thật bình tĩnh, há miệng to rồi nhờ người xung quanh kiểm tra cổ họng bằng đèn pin. Nếu trường hợp xương cá mắc ở vị trí mà mắt thường có thể nhìn thấy được hãy dùng kẹp y khoa để gắp ra.

Theo dõi xem còn đau hay thấy vướng trong cổ khi nuốt nước bọt nữa hay không. Nếu cảm thấy xương vẫn còn mắc ở vị trí nào đó trong họng hãy đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra và xử lý. Tuyệt đối không nên để quá lâu vì dễ gây biến chứng cũng như khiến cho việc điều trị phức tạp hơn.

Quang Cường