Seoul tìm hướng đi khi Mỹ gây áp lực lên các hãng sản xuất chip Hàn Quốc ở Trung Quốc

Thế giới số - Ngày đăng : 09:45, 12/08/2022

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, có thể sớm được đưa vào thử thách, khi Mỹ treo gần 53 tỉ USD ưu đãi để thu hút nhiều nhà sản xuất chip hơn sang nước này, đe dọa khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hàn Quốc muốn đạt được sự cân bằng tinh tế giữa các chính sách của hai đối tác thương mại lớn của mình, đồng thời giúp hai gã khổng lồ chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix tránh khỏi những xung đột địa chính trị có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của họ, theo một chuyên gia am hiểu các chính sách của Seoul từ chối tiết lộ danh tính.

Tuy nhiên, áp lực từ Washington dự kiến ​​sẽ tăng lên sau khi Tổng thống Joe Biden hôm 9.8 ký ban hành đạo luật Chips and Science (Chips và Khoa học), trong đó dành 52,7 tỉ USD khuyến khích sản xuất chất bán dẫn và 200 tỉ USD khác cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử cùng các công nghệ tiên tiến khác - những lĩnh vực mà Trung Quốc đã chỉ định là ưu tiên quốc gia.

Việc thông qua luật đó có thể thúc đẩy nỗ lực của Mỹ trong việc hình thành cái gọi là Liên minh Chip 4, một quan hệ đối tác với Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Bắc Kinh coi liên minh này là một âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Nếu Samsung Electronics và SK Hynix khai thác tài trợ của Mỹ, gần như chắc chắn rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc mở rộng của họ ở Trung Quốc, đặc biệt là do sự phụ thuộc của họ vào thiết bị sản xuất chip của Mỹ”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), nhận định.

Những hãng nhận trợ cấp từ Mỹ bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài “chất bán dẫn kế thừa” - được định nghĩa là chip được sản xuất bằng quy trình 28 nanomet trở lên - trong 10 năm. Chính phủ Mỹ có toàn quyền quyết định loại thiết bị nào sẽ được phân loại là thiết bị kế thừa trong phân khúc thị trường chip nhớ, nơi Samsung Electronics và SK Hynix là hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Cả Samsung Electronics và SK Hynix đều đã đầu tư rất lớn để xây dựng và vận hành các xưởng đúc chip ở Trung Quốc. Theo chuyên gia Hàn Quốc, sẽ khó có khả năng hai công ty này đơn giản rời khỏi những tài sản đó và các lợi ích kinh doanh liên quan trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

So với Đài Loan, Hàn Quốc chịu áp lực lớn hơn chủ yếu vì đầu tư của Samsung vào Trung Quốc kể từ năm 2012 đã đạt 25,8 tỉ USD”, theo Arisa Liu, chuyên gia nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan.

Hai nhà máy chế tạo wafer của Samsung Electronics ở thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc chiếm 42% tổng công suất sản xuất NAND flash của công ty.

Wafer là mảnh mỏng của vật liệu bán dẫn, thường là silicon tinh thể, trong hình dạng của một đĩa rất mỏng được sử dụng như cơ sở để chế tạo mạch điện tử tích hợp (IC) và các tế bào quang điện silicon.

Arisa Liu nói: “Nếu hai nhà máy lớn này ở Trung Quốc không thể tiếp tục sử dụng các quy trình sản xuất chip tiên tiến hơn nữa, họ có thể mất dần khả năng cạnh tranh”.

Trong khi đó, một nhà máy SK Hynix có trụ sở tại thành phố Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc chiếm 45% tổng năng lực sản xuất DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) của công ty.

Việc giữ cho các hoạt động sản xuất đó ở Trung Quốc liên quan trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu phản ánh cách các quan chức cấp cao chính quyền Hàn Quốc đối mặt với nhiều công việc rất khó khăn, khi điều hướng theo vùng ngoại giao phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cùng ngày Chips and Science trở thành luật ở Mỹ, đại diện của Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Thanh Đảo, thành phố cảng ở tỉnh Sơn Đông để cam kết củng cố mối quan hệ và chuỗi cung ứng ổn định trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Gặp người đồng cấp Hàn Quốc là Park Jin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị cho biết nước này phản đối “chính trị hóa nền kinh tế và vũ khí hóa thương mại” trong một lời chỉ trích ngầm với luật mới của Mỹ.

Trước đó, hôm 8.8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về việc nước này gia nhập Liên minh Chip 4 do Mỹ lãnh đạo, cam kết ưu tiên hàng đầu cho lợi ích quốc gia trong việc xác định đường lối hành động của Seoul.

Ông Yoon Suk-yeol nói: “Các cơ quan chính phủ có liên quan sẽ nghiên cứu và thảo luận về vấn đề này để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mọi người không phải lo lắng về điều đó quá nhiều".

seoul-tim-huong-di-khi-my-gay-ap-luc-san-xuat-chip-len-cac-hang-han-quoc-o-trung-quoc.jpg
Liên minh Chip 4 do Mỹ đứng đầu, một quan hệ đối tác với Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, bị Bắc Kinh coi là âm mưu của Washington nhằm loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu - Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, cả Samsung Electronics và SK Hynix đều đã đặt cược vào các kế hoạch sản xuất chất bán dẫn mới lớn ở Mỹ.

Vào tháng 7, ông Biden đã ca ngợi kế hoạch từ SK Group, công ty mẹ của SK Hynix, đầu tư 22 tỉ USD vào các dự án bán dẫn, năng lượng xanh và khoa học sinh học ở Mỹ. Con số này cao hơn cả khoản đầu tư 7 tỉ USD được công bố trước đó vào Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư vào nước này lên gần 30 tỉ USD.

Đầu tháng đó, Samsung Electronics đã vạch ra kế hoạch tiềm năng đầu tư khoảng 200 tỉ USD vào 11 nhà máy sản xuất chip ở bang Texas (Mỹ) trong vòng 20 năm tới. Điều đó theo sau thông báo của công ty vào tháng 11.2021 về việc xây dựng một nhà máy chip mới trị giá 17 tỉ USD ở bang Texas.

Sau hơn 2 năm, Thượng viện và Hạ viện Mỹ cuối cùng đã thông qua đạo luật Chips and Science hồi cuối tháng 7.2022, phản ánh sự nhất trí của lưỡng đảng trong Quốc hội trước việc cần thiết phải chống lại khả năng trỗi dậy về công nghệ Trung Quốc. Đạo luật được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Joe Biden.

Theo các nhà phân tích, đạo luật mới có khả năng sẽ phủ bóng đen lên an ninh chuỗi cung ứng và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, dù tác động tức thời có thể hạn chế.

Mỹ đã thu hút các công ty sản xuất chip trong một thời gian, với các ưu đãi khá lớn. Sẽ có nhiều công ty quan tâm đến việc tham gia và điều này chắc chắn sẽ tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, theo William Wang, Giám đốc điều hành công ty tư vấn IC Cafe có trụ sở tại Thượng Hải.

Theo William Wang, ảnh hưởng trực tiếp có thể sẽ mất nhiều năm để phát huy tác dụng, nhưng trên thực tế tác động cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các công ty chip có thể tận dụng chính sách hỗ trợ của Mỹ để định hình lại ngành công nghiệp toàn cầu hay không.

Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về đạo luật mới và tác động của nó với ngành công nghệ Trung Quốc. Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố nước này kiên quyết phản đối các điều khoản trong đạo luật hạn chế hợp tác công nghệ thông thường giữa hai nước.

Theo Gu Wenjun, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn bán dẫn ICWise, biện pháp khuyến khích mới sẽ làm giảm đầu tư của các công ty quốc tế vào Trung Quốc, đồng thời thu hút vốn, nhân tài và chuỗi cung ứng ngành quay trở lại Mỹ.

Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước sẽ làm suy yếu phạm vi tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc tế của Trung Quốc. Về lâu dài, nó có thể làm cạn kiệt chuyển giao công nghệ và gây ra tình trạng tiêu hao tài năng với Trung Quốc”, Gu Wenjun nói.

Trung Quốc không phải là nước dẫn đầu trong chuỗi giá trị chất bán dẫn toàn cầu do phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Li Yizhong, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin giai đoạn 2008-2010, đầu tháng này nói rằng Trung Quốc phải nỗ lực gấp đôi để bắt kịp lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn và vật liệu, nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo dữ liệu từ Gartner, các công ty Mỹ đang nắm quyền kiểm soát chặt chẽ chuỗi giá trị chất bán dẫn thượng nguồn, với 13 trong số 25 nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới tính theo doanh thu vào năm ngoái là của Mỹ.

Sơn Vân