Trung Quốc chi viện cho Chiến khu miền Đông gây áp lực với Đài Loan
Chuyển động - Ngày đăng : 09:46, 12/08/2022
Trong diễn tập chống tàu ngầm và tấn công trên biển ngày 8.8, một vài máy bay chống ngầm thuộc biên chế Chiến khu miền Nam xuất hiện ở vùng biển tập trận. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố hình ảnh trực thăng phòng không Ka-28 tham gia hoạt động chung không quân - hải quân.
Theo nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình: “Phi đội Chiến khu miền Bắc và miền Nam, cũng như tàu chiến giám sát Hoàng Hải và Biển Đông của Chiến khu miền Bắc và miền Đông cùng phối hợp tác chiến trong trường hợp Đài Loan xảy ra tình huống khẩn cấp là điều cần thiết”.
“Chiến tranh nổ ra tại Đài Loan sẽ là hoạt động quân sự chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) toàn diện phức tạp, đòi hỏi không quân cùng tàu chiến thuộc ba chiến khu đảm nhiệm vai trò khác nhau để ngăn chặn lực lượng nước ngoài can thiệp từ phía nam cùng phía bắc”, nhà phân tích Tống nói thêm.
Cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan Lu Li-shih cho biết các phi công quân đội Trung Quốc đã không còn xa lạ gì với vùng biển cùng vùng trời quanh Đài Loan nữa: “Ngay cả phi công ở căn cứ Liêu Ninh thuộc biên chế Chiến khu miền Bắc cũng từng bay đến căn cứ Thủy Môn ở Phúc Kiến nằm đối diện Đài Loan”.
Trong một bản tin của CCTV vào tháng 3 năm ngoái, lữ đoàn không quân đóng tại Liêu Ninh lái chiến đấu cơ hạ cánh xuống căn cứ Thủy Môn (trên địa bàn thành phố Ninh Đức) cách Đài Bắc chỉ 250 km. CCTV thời điểm đó cũng cho biết không quân từ các chiến khu khác nhau cũng di chuyển 5.000 km tham gia huấn luyện: lực lượng phía bắc bay đến Phúc Kiến, lực lượng phía nam bay đến dãy Himalaya.
Ngày 10.8, Chiến khu miền Đông tuyên bố hoàn thành xuất sắc cuộc tập trận quanh Đài Loan nhưng vẫn sẽ tiến hành tuần tra thường xuyên.
Đây là lần đầu tiên chiến khu này thừa nhận quân đội Trung Quốc có ý định biến diễn tập thành hoạt động định kỳ. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh nhân chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đầu tháng 8 thực hiện “bước đột phá” về quân sự.
Theo giáo sư Nghê Lạc Hùng thuộc đại học Chính trị - Luật Thượng Hải: “Chuyến thăm của bà Pelosi khiến Trung Quốc mất điểm về ngoại giao nhưng lại giúp quân đội Trung Quốc có cơ hội vượt qua đường phân định trên eo biển Đài Loan. Nếu tập trận trở thành hoạt động thường xuyên thì phía Trung Quốc đã thành công loại bỏ đường phân định”.