Chi phí tăng cao, ngân hàng siết tín dụng khiến doanh nghiệp thủy sản khó trăm bề
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:26, 12/08/2022
Chi phí tăng cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, 7 tháng đầu năm, hệ lụy của dịch COVID-19 vẫn còn nặng nề: Chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục; xung đột Nga-Ukraine; lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại nhiều thị trường…
Hiệp hội cho biết, chi phí sản xuất tăng cao đáng quan ngại, khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Cụ thể, thức ăn chăn nuôi thủy sản: trung bình đã tăng khoảng 20%, trong khi chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng lớn đến hơn 60% giá thành nuôi thủy sản.
Thêm vào đó, chi phí vận tải biển bằng container tăng mạnh từ năm 2020 đến nay với nhiều lý do bao gồm cả “tắc cảng” do đại dịch COVID-19 và bây giờ là giá nhiên liệu tăng.
“Việc đặt được cont đã rất khó khăn, nhưng giá cước ở hầu hết các chặng đều tăng 3-5 lần. Tại thời điểm tháng 7.2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất khẩu được một container 40’ qua bờ Đông Mỹ (Florida) thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/cont. Tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới TP.HCM (chiếm hơn 60% dung lượng XK), thì trung bình 400-410 triệu đồng/cont”, VASEP nêu.
Ngoài ra, khó khăn còn đến từ vấn đề hóa chất, phụ gia, bao bì, nhiên liệu, nhân lực, vận chuyển; chi phí tài chính liên quan đến tỷ giá hối đoái, khi một số đồng tiền mạnh như yên Nhật Bản và euro mất giá sâu, trong khi VNĐ thì lại khá ổn định cũng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
VASEP kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm và có các biện pháp hỗ trợ và chỉ đạo để tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp (giá thức ăn chăn nuôi thủy sản, cước vận tải container đường biển, vận chuyển nội địa, bao bì, tỷ giá hối đoái...).
Ngân hàng siết tín dụng, tăng lãi suất USD
Một vấn đề nữa là tín dụng ngân hàng siết lại, tăng lãi suất vay USD. Ngay từ đầu tháng 8.2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất từ 2,1-2,8% lên 3-3,1% và thậm chí đến 4,5%.
Đồng thời, điểm lo ngại nữa với các doanh nghiệp thủy sản là việc “siết tín dụng” hiện nay, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn khi chi phí tài chính tăng cao, không chủ động được việc thu mua nguyên liệu (tôm, cá...) lúc này cho bà con nông-ngư dân.
Lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá tại nhiều thị trường, khiến sức mua của người dân giảm sút, nhà nhập khẩu tồn kho lớn và đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng (dù đã ký hợp đồng), thậm chí, lùi giao hàng tới tận tháng 10-11.2022.
Điều này khiến các doanh nghiệp thủy sản bị tồn kho tại Việt Nam, tiền nằm trong hàng, không có, hoặc dòng tiền về sụt giảm, khó khăn trong việc trả các khoản vay cũ, và ngân hàng sẽ không tiếp tục giải ngân khi doanh nghiệp chưa trả khoản vay cũ dù hạn mức tín dụng vẫn còn. Hệ lụy là việc thu mua nguyên liệu của người dân để tiếp tục cho sản xuất sẽ bị hạn chế đáng kể.
VASEP kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có các chỉ đạo và hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tại các địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay, có thể tiếp tục vay vốn bình thường để phục vụ sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất với lãi suất tối đa 2,5% cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.
Quan tâm đến tích tụ đất đai
Cũng theo VASEP, hiện nay nhiều địa phương đang đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất, một số quy định bất cập về sử dụng đất và về việc gia hạn quyền quyền sử dụng đất nông nghiệp đang là thách thức lớn cho doanh nghiệp thủy sản và người nuôi thủy sản. Doanh nghiệp tôm và cá tra đều đang gặp một số thách thức về quỹ đất để phát triển vùng nuôi. Một số khu vực đã quy hoạch cho nuôi trồng thủy sản có thể chuyển đột ngột sang quy hoạch đô thị, du lịch, kinh doanh bất động sản.
Hiệp hội này kiến nghị Chính phủ thúc đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành hàng có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.
Ngoài ra, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các địa phương có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản tập trung, trong đó bao gồm việc gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp khi hết hạn quyền sử dụng đất.
“Tôm nuôi là mặt hàng “tỷ đô” mà Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước trong việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao cấp, cần thiết phải có chiến lược và điểm nhấn về “khoa học-công nghệ” trong sản xuất nguyên liệu để duy trì lợi thế-năng lực cạnh tranh, giảm giá thành và cả mục tiêu xuất khẩu. Kiến nghị Chính phủ có chiến lược và kế hoạch tập trung cho khoa học-công nghệ, bao gồm cả xem xét thành lập một trung tâm nghiên cứu phát triển nghề nuôi tôm bền vững ĐBSCL”, VASEP nêu.
Hiện nay, tại các tỉnh, sản xuất thủy sản thiếu lao động làm việc trong các nhà máy, đặc biệt là sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Việc này gây sức ép rất lớn đến các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ, cam kết giao hàng và khó khăn để gia tăng công suất tạo nguồn hàng lớn hơn cho thế giới.
VASEP kiến nghị các tỉnh xem xét cho quỹ đất để các doanh nghiệp nông-thủy sản xây dựng nhà ở cho công nhân, gia tăng phúc lợi xã hội; quy hoạch khu công nghiệp, đô thị cần xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp; xem xét có khung pháp lý cho doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài (nhập khẩu) trong những điều kiện cần thiết.
Về lâu dài, Luật Đất đai sửa đổi bao gồm trong đó vấn đề tích tụ ruộng đất từng bước song song với cơ giới hóa nông nghiệp để giảm lao động trong nông nghiệp; xây dựng hệ thống giao thông nông thôn nhanh hơn vừa phục vụ cho nông nghiệp vừa giúp lao động nông thôn đến các nhà máy làm hàng ngày; cho phép lao động các ngành nông – thủy sản làm bán thời gian nhiều hơn – điều này rất quan trọng và có tác dụng ngay, vừa giải quyết tốt lao động thời vụ của các doanh nghiệp vừa giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân…