Thơ Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hơi thở thức tỉnh trái tim
Văn hóa - Ngày đăng : 11:11, 12/08/2022
Nhà thơ Xuân Diệu viết: “Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, điều đó đúng với một số nhà thơ đang dạo bước bên ngoài khu vườn thi ca, với mục đích ru ngủ, thả hồn theo dòng cảm xúc yếu mềm, hay chỉ là để đề thơ xướng họa mua vui.
Dù biết rằng thơ có nhiều tầng bậc, nhiều cánh cửa để vào tận trong ý nghĩa thậm thâm của cuộc sống và có nhiều người còn xem thơ như là tôn giáo.
Thật ra, trong mật giáo Tây Tạng, thi ca được quan niệm như một vùng ẩn mật nằm trong não bộ. Người nào khai mở được toàn diện ốc đảo đó thì thi ca sẽ đến với họ như gió thổi, như nước chảy, làm thơ nói chuyện, như uống nước, như ăn cơm,...
Khi đã khai mở được vùng thi ca, thì con người đó đã phần nào thấu đạt đến chân nghĩa của cuộc đời. Vì thế, không thể “mơ và vơ vẩn” được. Chúng ta thấy nhiều thánh thi ẩn danh cho đến ngày cuối đời, hoặc với họ, khi thơ tuôn trào cũng chính là chánh pháp để truyền thụ đến nhiều đối tượng. Như trường hợp Kahlil Gibran, Targore, Holderlin, Bùi Giáng,... mà rõ nhất là từ các thiền sư.
Dù biết rằng vọng ngữ hại chân tâm, nhưng ở bề mặt giao tiếp đối đãi biết dùng phương tiện gì ngoài ngôn ngữ. Vì với đạo Phật, tất cả đều là phương tiện, ngay chính thân xác chúng ta là đại phương tiện, được ví như ngôi đền thiêng để đi đến giác ngộ, vậy thì ngôn ngữ cũng là phương tiện. Chỉ biết rằng, phương tiện là cái tạm để sử dụng trong từng giai đoạn như con thuyền đưa người sang sông, hành giả không nên níu giữ thuyền khi đã qua sông và thơ cũng vậy. Chúng ta thử bước vào cảnh giới thơ của cố Thiền sư Nhất Hạnh qua bài
Đại trượng phu:
cửa tùng đôi cánh khép
một mũi tên sáng loáng lìa dây cung
lao vút tới
mặt trời nổ tung
đầy sân hoa cam rụng
phảng phất
bóng vô cùng
Ngay cái nhan đề cũng cho thấy khí lực bài thơ chỉ dành cho tâm thức của bậc đại hùng. Bài thơ chỉ với ba mươi từ nhưng đã mở ra một thực tại thâm sâu từ trong ý niệm được phóng chiếu ra bên ngoài với tốc độ như tia chớp, để đón lấy sự đổ vỡ khi chạm vào mặt trời chân lý.
Tất cả những gì ở dạng thức của ý đều va đập vào bức tường của sự bế tắc, dù cho sự đổ vỡ nổ tung, nhưng thực tại mầu nhiềm chính là “hoa cam rụng” và chính thời khắc này tâm và cảnh đang thể nhập làm một hòa vào vũ trụ (phảng phất / bóng vô cùng). Trong bài Nhập lưu là hình ảnh ông thầy tu đang ngồi thiền, được ví von như đang ngồi trên toa tàu xe lửa, còn trái đất chính là chiếc xe lửa.
mỗi ông thầy tu có một chỗ nơi góc chiếc chiếu để ngồi thiền
hãy ngồi yên trên chỗ đó
trái đất mang tất cả chúng ta đi
và chỗ ngồi cũng như một chỗ ngồi trên toa xe lửa hạng nhì
đến ga rồi thì ông thầy tu cũng phải đi xuống
và chỗ ngồi đó sẽ được phủi bụi đi để cho người khác tới ngồi.
Bài thơ Nhập lưu như muốn gợi nhắc về các giai đoạn trong quá trình tu tập, khi chưa tu khi bắt đầu tu và khi đã chứng ngộ. Cũng như các câu chuyện thiền được các thiền sư minh họa.
chiếc xe lửa của chúng ta đang đi
sáng nay ông thầy tu ngồi vào chỗ ngồi của mình trên góc chiếu,
và mỉm cười
tôi không có ngồi hoài đâu ông
chiếc xe lửa khi tới ga sẽ không mang theo tôi
một góc chiếu, hay là một bó cỏ tươi
tôi ngồi xuống
một lần này nữa thôi
Chỉ khi nào nhập cảnh giới phi phi tưởng xứ thì một góc chiếu cũ hay là bó cỏ tươi, với các bậc chứng ngộ đều không còn phân biệt và ngay chính chỗ ngồi. Tất cả chỉ là thực tại đang chuyển động.
Trong Đêm nguyện cầu là sự ngợi ca đấng toàn giác, là hoa từ bi dâng nguyện lên đức Phật Thích Ca, là lời thức tỉnh nhắn gửi đến toàn nhân loại về một thảm trạng chiến tranh giày xéo trên quê hương Việt Nam suốt mấy mươi năm.
đêm nay xin mười phương trăng sao chứng minh
cho địa cầu quê hương tôi dâng lời cầu nguyện
cho Việt Nam khói lửa
cho Việt Nam điêu linh
cho Việt Nam, quằn quại đắm chìm trong máu lệ,
sớm vùng dậy trong đau thương thế kỷ
để biến thành chiếc nôi êm đón chào Từ Thị
thêm một lần hoa Phật sơ sinh
Và sự ra đời của đức Phật Thích Ca được xem là một đóa hoa bất diệt nở giữa vườn hoa sinh diệt, như cái trường tồn đi vào cõi vô thường.
Một câu trong bài Quán tưởng khiến người đọc giựt mình “con rắn hổ mang uống xong giọt sương khuya trên đầu ngọn cỏ, bỗng cảm thấy tiêu tan nọc độc trên lưỡi mình”.
Hình ảnh rắn hổ mang biểu tượng của tâm độc, giọt sương khuya như dưỡng chất trần gian chính là sự tinh khiết, tĩnh lặng, thanh bình. Câu thơ như một công án thiền để tỉnh thức những người mê đắm trong dòng tâm sân hận đầy độc tố. Câu thơ cũng muốn nhắc đến một thực tại nhiệm mầu chỉ có đối tượng đang thể nhập cảnh giới mới chứng thực được trạng thái mình đạt được.
Viết về thơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng với mục đích thực tập tỉnh thức cho chính mình, nhưng không thể viết trọn vẹn, thâm sâu ý nghĩa của mỗi câu mỗi chữ trong mỗi bài thơ của thiền sư.
Tôi viết những dòng trên cũng là sự tri ân về vị Thiền sư đã dẫn đưa tôi vào với Phép lạ của sự tỉnh thức qua chính tác phẩm này.
Còn nhớ vào thập niên 1980, tôi không nhớ rõ nguyên do nào tôi gặp được quyển Phép lạ của sự tỉnh thức thuở đó, tôi vừa đọc vừa chép lại mỗi ngày trong cuốn sổ với đủ các màu mực cho đến cuối sách. Rồi tôi tìm đọc tiếp những cuốn sách khác của Thiền sư như: Trái tim mặt trời, An trú trong hiện tại, Vấn đề nhận thức trong duy thức học, Nẻo về của ý, Nẻo vào thiền học, Kinh người biết sống một mình, Kinh quán niệm hơi thơ,...
Trước khi đến với các tác phẩm của Thiền sư Nhất Hạnh, tôi đã đọc nhiều về các tác giả Krishnamurti, Suzuki, Tuệ Sỹ, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Lê Tôn Nghiêm, Ngô Trọng Anh... Bây giờ nhìn lại, những quyển sách của Thiền sư Nhất Hạnh, chính là sách hướng dẫn thực hành đạo Phật theo truyền thống Phật giáo, hướng dẫn thực hành tỉnh thức, khác với những quyển sách chỉ nói về lý thuyết, triết lý…
Một quyển sách đôi khi đã làm thay đổi nhận thức của nhiều người. Cũng như nhiều bài thơ của thiền sư, đã từng làm rung động bao thế hệ tiếp nối để góp phần kêu gọi hòa bình cho quê hương Việt Nam. Trong những người đó có nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ Hòa bình trong Tâm ca số 1 và những câu trong bài thơ Chiến tranh của Thiền sư Nhất Hạnh đã được Phạm Duy trích vào trong Tâm ca số 7, bài thơ Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai do ca sĩ Hà Thanh phổ nhạc và trình bày, ngoài ra nhiều bài thơ do chính thiền sư viết nhạc.
Với bài thơ Thông điệp, theo trang web Langmai.org, đây là một bài thơ rất được phổ biến trong giới nhân bản và tôn giáo Tây phương. Bài này đã được thầy tự tay dịch ra Anh ngữ vào khoảng năm 1965. Tổ chức F.O.R đã in bài thơ này trong một thiệp chúc giáng sinh. Bản dịch tiếng Anh đã được nhạc sĩ Donald Swann phổ nhạc. Tại đại nhạc hội tổ chức tại Luân Đôn ngày 16.3.1971, có thầy tham dự, nhạc sĩ Donald Swann đã trình diễn bản nhạc này.
Tại Mỹ, nhạc sĩ Richard Wunder cũng phổ nhạc bản dịch Anh ngữ của bài thơ và ông cũng đã trình diễn bài này với giọng tenor, nghệ sĩ Mary Ellen O’Neil đệm dương cầm trong một đại nhạc hội tổ chức tại Salt Lake City ngày 6.1.1976. Bài thơ này cũng được nữ sĩ Michele Chamant dịch ra Pháp văn. Bản dịch này được nhạc sĩ Graeme Allwright phổ nhạc và trình diễn tại rạp Olympia và sau đó đi trình diễn rất nhiều nơi trên đất Pháp trước khi đưa vào đĩa nhạc Questions... Do nhà Intersong thực hiện năm 1978.
Đặc biệt, bài đoản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được Phạm Thế Mỹ phổ nhạc gây một hiệu ứng và lan tỏa rộng từ những năm cuối thập niên 60. Bài đoản văn Bông hồng cài áo với văn phong nhẹ nhàng như thơ, ngôn từ mộc mạc, bình dị gần gũi với tất cả mọi người.
Mùa Vu Lan năm nay, những bông hồng đỏ, những bông hồng trắng lại được cài lên áo mỗi người để nhắc nhở chúng ta rằng, mẹ luôn hiện hữu, xuất phát vào ngày lễ Mother’s Day của người Nhật, thiền sư Nhất Hạnh đã tạo ra một hình ảnh ý nghĩa sâu sắc và tuyệt đẹp vào mùa Vu Lan ở Việt Nam.
Vậy là, từ lễ Vu Lan năm 1962, nghi thức Bông hồng cài áo được thực hiện tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, sự kiện này được xem là nghi thức Bông hồng cài áo đầu tiên tại Việt Nam, đến Vu Lan năm nay đã 60 năm, mỗi người con lại bồi hồi đón nhận những bông hồng trên ngực áo, dù màu trắng những hình ảnh mẹ mãi trong mỗi người con…
Những bài thơ của Thiền sư Nhất Hạnh với ngôn ngữ bình dị, âm hưởng thơ tương tục như nước chảy, nhẹ như mây trôi, hình ảnh trong thơ xác thực trong đời sống và hoàn cảnh xã hội hòa cùng tâm thức của đại chúng. Diệu dụng của thơ thường lan tỏa nhanh và rộng hơn các thể loại khác. Mỗi bài thơ cảm ứng biến hiện với mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung một mục đích thức tỉnh lương tri, kêu gọi hòa bình. Vì tâm của người làm thơ thanh tịnh nên từ trường của thơ sẽ lan tỏa, chia sẻ lực từ đến với các đối tượng lắng nghe.
Những bài thơ của Thiền sư phần lớn làm từ những thập niên 60, 70 nhưng đến bây giờ vẫn tác động đến người đọc. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, những bài thơ này càng cần được phổ biến.