An Giang: Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện bị ‘tố’ thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện thi hành bản án
Sự kiện - Ngày đăng : 12:40, 12/08/2022
Nói lý do lộn thửa để không thi hành bản án…
Gửi đơn đến Một Thế Giới, ông Sĩ cho rằng, bản thân là người được thi hành án theo bản án dân sự phúc thẩm số 292/2011/DS.PT ngày 30.9 và 7.10.2011 của TAND tỉnh An Giang về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
"Người phải thi hành án là ông Võ Đức Thắng (SN 1951) và bà Huỳnh Thị An (SN 1956, vợ ông Thắng), cùng ngụ ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú", ông Sĩ viết.
Nói về nguyên nhân tố cáo, ông Sĩ trình bày:
Ngày 15.7.1996, vợ chồng ông Thắng cùng 2 người con là Võ Thị Tuyết Trong (SN 1975) và Võ Thị Tuyết Sáng (SN 1977) thống nhất chuyển nhượng cho vợ chồng ông Sĩ phần đất nông nghiệp diện tích sử dụng 9.000 m2 với giá chuyển nhượng là 10 lượng vàng 24k. Đất tọa lạc tại ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú.
Thời điểm này, hai bên lập hợp đồng chuyển nhượng, có cán bộ địa chính xã Mỹ Đức - em ruột ông chứng kiến và đem đến UBND xã xác nhận.
"Vợ chồng ông Thắng cùng 2 con gái không thực hiện đúng hợp đồng chuyển nhượng nên vợ chồng tôi nộp đơn khởi kiện đến tòa án yêu cầu giải quyết. Sau đó, vụ việc đã được TAND huyện Châu Phú và TAND tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm.
Nói về bản án sơ thẩm số 38/2011/DSST ngày 14.4.2011 của TAND huyện Châu Phú tuyên xử, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng tôi; công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích hơn 9.160 mét vuông, tọa lạc xã Mỹ Đức ngày 15.7.1996, giữa vợ chồng tôi và vợ chồng ông Thắng (có mốc giới tạm từ số 1,2,3,4 nằm trong 2 thửa: 2389 và 2390) tờ bản đồ số 2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00403QSDĐ/iF ngày 15.4.1991.
Bản án sơ thẩm còn buộc vợ chồng ông Thắng cùng vợ chồng tôi có nghĩa vụ đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Do có kháng cáo, nên ngày 30.9 và 7.10.2011, TAND tỉnh An Giang xử phúc thẩm bằng bản án số 292/2011/DS.PT, tuyên xử: Sửa bản án sơ thẩm số 38/2011/DS-ST; công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Sau khi thu hoạch vụ lúa thu đông năm 2011 xong, vợ chồng tôi giao 9.000 mét vuông đất nông nghiệp tọa lạc xã Mỹ Đức, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00403QSDĐ/iF ngày 15.4.1991 nói trên; vợ chồng ông Thắng giao lại cho vợ chồng tôi số tiền chuộc đất là 450 triệu đồng.
Tuy nhiên, trước khi tòa xử, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (huyện Châu Phú có công văn số 08/VP-ĐKQSDĐ ngày 10.3.2011) trả lời TAND huyện Châu Phú thể hiện, phần đất của vợ chồng tôi nhận chuyển nhượng của ông Thắng từ năm 1996 canh tác đến nay thuộc tờ bản đồ số 2, thửa 2389 và thửa 2390, với diện tích 9.369 mét vuông theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00403QSDĐ/iF ngày 15.4.1991 do UBND huyện Châu Phú cấp cho ông Thắng.
So với diện tích đo đạc thực tế 9.160,6 mét vuông là tương đối phù hợp giữa đo máy và chỉnh lý không ảnh trước đây.
Kết quả đo đạc và xác minh phần diện tích của vợ chồng tôi mua của vợ chồng ông Thắng là riêng biệt không trùng lặp với ai, thuộc thửa 2389 và 2390, tờ bản đồ số 2 xã Mỹ Đức”, trích công văn số 08/VP-ĐKQSDĐ", ông Sĩ trình bày.
Theo ông Sĩ, ngày 14.12.2011, ông đã có đơn yêu cầu thi hành bản án số 292/2011/DS.PT gửi đến Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Phú. Sau đó, ông và đại diện ủy quyền đã nhiều lần đến cơ quan này hỏi thăm, nhưng chấp hành viên nói không thi hành án được do đất của ông Thắng bị lộn thửa.
“Tòa án xác định 9.000 mét vuông đất trên thuộc hai thửa 2389 và 2390, tờ bản đồ số 2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00403QSDĐ/iF ngày 15.4.1991 do UBND huyện Châu Phú cấp cho ông Thắng.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Châu Phú cũng xác định đất này thuộc 2 thửa 2389 và 2390, tờ bản đồ 2, là riêng biệt không trùng với đất của ai khác. Thế nhưng, chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Phú lại nêu ra lý do lộn thửa để không thi hành bản án nói trên là vô cùng khó hiểu, có nhiều nghi vấn”, ông Sĩ bức xúc trình bày.
11 năm kéo dài - người dân ngóng chờ thi hành án, cán bộ vẫn "bình chân như vại"
Trong đơn tố cáo, ông Sĩ còn trình bày thêm: "Vụ việc đã trải qua 11 năm nhưng Cơ quan thi hành án dân sự huyện Châu Phú đã không tổ chức tiến hành cưỡng chế thi hành án mà cố tình trì hoãn nhằm kéo dài sự việc gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của người được thi hành án.
Ngoài ra, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Phú đã không tổ chức quán triệt để thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật, cố tình bao che kéo dài việc thi hành án gây bức xúc, làm cho bản thân tôi bất bình, tính nghiêm minh pháp luật không còn, tính răn đe không đảm bảo đối với những người cố tình chây ì, ngoan cố, thách thức dư luận cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước".
"Trong 11 năm qua, quyền lợi hợp pháp của tôi đã bị Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Phú không thi hành đúng pháp luật, cố tình bao che cho người phải thi hành án, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của công dân. Tại địa phương, rất nhiều hoang mang lo sợ và gây bất bình trong người dân về hành vi xem thường pháp luật, xem thường quyền lợi hợp pháp của công dân.
Hiện nay, tổng thiệt hại về tài sản của vợ chồng tôi ước tính đến nay khoảng 1 tỉ đồng. Tôi tha thiết mong mỏi được xem xét xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật", ông Sĩ trình bày theo đơn.
Để có thông tin khách quan và chính xác, phóng viên Một Thế Giới có trao đổi qua điện thoại với ông Lâm Phước Nghĩa - Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh An Giang và được vị lãnh đạo này yêu cầu gặp ông Dũng hoặc ông Hùng (Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Phú) sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, phóng viên liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Hùng - Chi cục phó Chi cục thi hành án dân sự huyện Châu Phú thì người này cho biết hiện đang nghỉ phép!
“Còn theo quy chế phát ngôn thì báo chí liên hệ với Cục trưởng mới đúng”, ông Hùng nói.
Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn luật sư tỉnh An Giang cho biết, việc tranh chấp giữa vợ chồng ông Sĩ, ông Thắng đã được xét xử bằng 2 bản án. Hai bản án cơ bản đảm bảo được quyền lợi cho phía ông Sĩ.
“Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành năm 2011 và sau đó ông Sĩ có đơn gửi đúng nơi để yêu cầu thi hành bản án. Trong bản án này chỉ yêu cầu là trả tiền chứ không phải là giao đất. Do vậy việc lộn thửa không ảnh hưởng đến quá trình thi hành bản án. Ngoài ra, việc điều chỉnh thửa đất cho đúng là thuộc về trách nhiệm của cơ quan chuyên môn chứ không phải trách nhiệm của cơ quan thi hành án”, ông Phước nhận định.
Cũng theo luật sư Phước, từ ngày ông Sĩ đã có gửi văn bản yêu cầu thi hành án đến Chi cục thi hành án, nhưng đơn vị này lại không có bất kỳ văn bản nào liên quan đến thủ tục tố tụng về thi hành án gửi cho ông Sĩ.
Phần này phải xem xét lại trách nhiệm của cơ quan thi hành án, vì cơ quan thi hành án không thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cũng là một phần trực tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án. Do người được thi hành án không tiếp nhận được văn bản đó, nên họ không biết được cái quyền lợi của mình trong giai đoạn thi hành án nằm trong giới hạn nào để bổ sung.
Luật sư Phước nêu ra nhận định: "Khi xác định ở chỗ là người bị thi hành án là có tài sản, họ có tổng cộng 5 thửa đất với tổng diện tích hơn 17.000 mét vuông, nếu lộn một thửa thì bỏ ra, còn những tài sản khác phải thi hành, chứ không phải nói rằng cả 5 thửa đều lộn thửa hết.
Do vậy, việc thi hành án cũng không thể kéo dài như vậy. Việc chậm thi hành án thì bản án của tòa án không mang tính khả thi, làm tính nghiêm minh của pháp luật bị bào mòn; quyền lợi của người được thi hành án bị ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, đời sống, chi phí, thời gian và đặc biệt niềm tin của họ vào cơ quan thực thi pháp luật".