Nông dân miền Tây đổi đời nhờ nuôi cá chạch lấu

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:00, 12/08/2022

Những năm gần đây, nhiều nông dân tại An Giang và một số địa phương khác ở miền Tây đã phát triển mô hình nuôi cá chạch lấu. Loài cá này đã giúp nhiều nông dân đổi đời khi thu về sản lượng cao.

Năm 2021, nhận thấy cá chạch lấu có giá trị cao nhưng không nhiều người nuôi, ông Đoàn Văn Lợi (60 tuổi, ngụ ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang đào ao nuôi cá.

Ông Lợi cho biết, với diện tích mặt nước khoảng 700 mét vuông thì thả nuôi được hơn 1.000 con giống.

“Giai đoạn cá chạch lấu còn nhỏ - dưới 5 cm - tôi cho cá ăn luân trùng, giáp xác, động vật phù du. Khi cá trưởng thành có kích thước khoảng từ 5 - 8 cm, tôi bổ sung thêm một số thức ăn khác như giun quế, ấu trùng muỗi”, ông Lợi cho biết.

Cũng theo ông Lợi, cá nuôi được khoảng 8 tháng sẽ có trọng lượng từ 200 gram trở lên là có thể xuất bán, hoặc đợi cá đạt trọng lượng khoảng 400 gram sẽ có giá cao hơn. Vào thời điểm này, cá loại 200 gram/con có giá từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Cá chạch lấu loại 300 gram đến 400 gram có giá từ 350.000 đồng đến 420.000 đồng/kg.

2-cac-chach-lau.jpg
Cá chạch lấu thành phẩm - Ảnh: Internet

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Khởi (54 tuổi, ngụ ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) cho biết, gia đình ông thả nuôi gần 30.000 con giống. “Sau khi nuôi đến 9 tháng thì tôi bắt đầu thu hoạch cá. Với giá bán dao động từ 350.000 - 420.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư sản xuất cá thành phẩm, tôi thu lãi gần 100.000 đồng/kg”, ông Khởi nói.

Theo ông Khởi, cá chạch lấu dễ nuôi, cho thu nhập cao, chỉ cần bảo đảm chất lượng nguồn nước và nhiệt độ trong ao nuôi. Bên cạnh đó, chất lượng cá giống khi thả nuôi rất quan trọng.

“Cá chạch lấu là loại cá ít bệnh nên người nuôi đỡ vất vả, quan trọng là bảo đảm kỹ thuật xử lý ao đất ban đầu để tránh bị hao hụt. Để cá chạch lấu được tối đa giá trị, người nuôi cần thu hoạch cá đúng thời vụ. Trước khi thả nuôi phải vệ sinh đáy, tát cạn và nạo vét hết lớp bùn đáy dưới ao, bón vôi khử trùng với số lượng từ 7 - 10 kg/100 mét vuông mặt ao.

Sau đó, phơi đáy ao khoảng 3 ngày rồi mới cấp nước vào ao qua lưới lọc và chờ cho nhiệt độ trong ao ổn định. Khoảng 6 ngày sau mới thả cá vào nuôi. Trong quá trình nuôi, cần có máy sục khí hoặc quạt nước để tăng cường ô xy cho cá.

Người nuôi cần kiểm tra ao vào buổi sáng trong lúc cho cá ăn, nếu phát hiện các hiện tượng bất thường của cá và môi trường nuôi thì xử lý ngay, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Với cá nhỏ, người nuôi cần cho ăn 2 lần/ngày. Khi cá lớn, chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày. Trong môi trường nuôi ao đất, cho cá ăn thức ăn công nghiệp là chủ yếu, nhưng thịt cá chạch lấu vẫn dai, thơm và không bị hôi rong”, ông Khởi cho biết.

1-ca-chach-lau.jpg
Hiện nay cá chạch lấu được bán trong nhiều nhà hàng, quán ăn - Ảnh: Tô Văn

Cá chạch lấu có tên khoa học là Mastacembelus favus hora, là loài cá nước ngọt. Loài cá này có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á thuộc hạ lưu sông Mekong như Campuchia, Lào, Thái Lan và ở phía nam Việt Nam.

Đặc điểm cá chạch lấu là loài cá da trơn gần giống với lươn sống tại môi trường nước ngọt. Thân hình cá chạch lấu nhỏ và tròn, dài trung bình 15 - 90 cm tùy vào điều kiện, thời gian chăm sóc.

Đặc điểm này giúp chúng nhanh chóng ẩn nấp thoát khỏi kẻ thù. Chúng có màu xanh xám đen đặc trưng, đậm ở phần lưng nhạt dần ở bụng. Khi trưởng thành, loài cá này nặng từ vài trăm gram, cá biệt, có những con nặng hơn 1 kg.

Cá chạch lấu có phần đầu khá nhỏ so với thân hình của nó. Miệng cá chạch lấu có thể co duỗi được, bạn có thể kéo vách miệng chúng tới gần mắt mà không gây tổn thương. Xung quanh miệng có thể bắt gặp cặp râu dài. Mang của loài này khá thưa, thực quản ngắn và ít co giãn. Các vây lưng, vây gần mang và đuôi của chúng nhỏ và khá mềm, khi bơi trông rất uyển chuyển.

Cá chạch lấu có giá trị dinh dưỡng cao được các nhà khoa học kiểm chứng. Trong 100 gram thịt cá chạch lấu có tới 16,9 gram protein, 2 gram lipit, 3,2 gram gluxit, 169 mê gram canxi và vô số các dưỡng chất, vitamin B1, B2, E…

Theo đông y, cá chạch lấu có tính ngọt bình, có tác dụng lớn trong bổ khí huyết, tráng dương, thanh nhiệt. Vì vậy, cá chạch lấu được khuyên dùng cho những người bị bệnh liệt dương, bệnh gan, mụn nhọt, lở loét, cơ thể suy nhược.

Tô Văn