Chuyên gia quốc tế: Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan là cơ hội do thám cho Mỹ

Chuyển động - Ngày đăng : 16:31, 12/08/2022

Các chuyên gia nhận định cuộc tập trận quanh Đài Loan là cơ hội cho Mỹ nghiên cứu các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc... của quân đội Trung Quốc.
uss-ronald-reagan.jpg
Tàu sân bay Reagan ở phía đông Đài Loan - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters ngày 12.8 nói rằng Mỹ và đồng minh có thể nghiên cứu về các loại tên lửa mà Trung Quốc có thể sử dụng để đánh chặn những cuộc can thiệp quân sự của nước ngoài, nếu như Trung Quốc tiến hành tấn công Đài Loan trong tương lai.

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã khiến Trung Quốc phản ứng, tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật quanh Đài Loan suốt 7 ngày đầu tháng 8 và kết thúc hôm 11.8. Trung Quốc xem đây là đòn cảnh cáo quân sự - chính trị "chưa từng có".

Trên mặt trận tình báo chiến lược, các cuộc tập trận cho thấy khả năng của Trung Quốc bao vây Đài Loan để mở màn hoặc dự phòng cho bất kỳ kế hoạch đánh chiếm nào, qua việc lần đầu tiên phóng 11 tên lửa đạn đạo vào gần bờ biển Đài Loan, đồng thời mở các cuộc tấn công hiệp không quân - hải quân với nội dung phong tỏa đảo.

Nhà phân tích an ninh Collin Koh ở Singapore nói các cuộc tập trận của Trung Quốc là cơ hội lớn để đối phương tìm hiểu những thành phần chủ lực của quân đội Trung Quốc (PLA) hoạt động phối hợp thế nào. Các thành phần này gồm Chiến khu miền Đông, lực lượng tên lửa chiến lược, lực lượng chi viện chiến lược.

Ông Koh nói: “Tôi hoàn toàn kỳ vọng Mỹ thu thập được nhiều thông tin về tín hiệu, liên lạc và tình báo điện tử. Đây là một cơ hội quá tốt, không thể bỏ qua. Khi thu thập được dạng dữ liệu này của phía bên kia, nó có nghĩa giúp tìm hiểu những điểm yếu của đối phương, giúp tạo ra các hệ thống phát hiện và gây nhiễu có hiệu quả”.

Khi Trung Quốc tập trận, Mỹ điều ít nhất 4 tàu chiến ở phía đông Đài Loan, lấy tàu sân bay Reagan làm trung tâm. Tất cả các tàu này đều có thể tấn công, đồng thời cũng tiến hành khả năng do thám trên, dưới vùng biển rộng lớn này.

Theo các nhà phân tích và các cựu quan chức tình báo, còn phải tính đến các tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan cùng các máy bay trinh thám tham gia hoạt động tình báo tại eo biển Đài Loan.

Những trang web truy vết tàu thủy, máy bay cũng đưa tin về sự hiện diện của các hệ thống trinh sát điện tử (ELINT) tại khu vực, ví dụ máy bay RC-135S Cobra Ball của Mỹ và một tàu trinh sát tên lửa. Đài Loan cũng tung ra máy bay trinh sát không người lái Albatros, theo dõi các cuộc tập trận của Trung Quốc.

Dù thừa nhận công tác thu thập dữ liệu vẫn đang tiến hành, hai quan chức quân sự Mỹ giấu tên lưu ý trong các cuộc tập trận vừa qua, không hẳn Trung Quốc tung hết các chiến thuật, chiến lược tốt nhất, vì họ biết mình bị theo dõi chặt. Các quan chức này còn nói phải mất nhiều thời gian mới nắm rõ tất cả các thông tin tình báo thu được.

Trevor Hollingsbee, một cựu chuyên gia phân tích tình báo hải quân của Bộ Quốc phòng Anh, nói vai trò của chính ủy trên một tàu chiến chính là một mục tiêu cần thu được thông tin tình báo.

Một số nhà phân tích nhận định có thể các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc không ngại phô trương khả năng tiến hành điều phối các cuộc tập trận lớn đầy phức tạp.

Carl Schuster, một nhà phân tích quân sự ở Hawaii, từng giam gia trung tâm tình báo của INDOPACOM, nói: “Tôi cho rằng họ muốn thể hiện khả năng đó. Tôi nghĩ họ muốn chúng ta biết rằng PLA ngày nay khác hẳn so với 10 năm trước. Họ muốn chúng ta biết họ đã tiến bộ rất nhiều”.

Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) không bình luận trước câu hỏi của Reuters về việc triển khai thu thập thông tin tình báo tại vùng biển Đài Loan.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nói bất chấp Trung Quốc tập trận, Mỹ không đổi nhận định rằng Trung Quốc không thể dùng vũ lực quân sự để chiếm Đài Loan trong 2 năm tới.

Bảo Vĩnh