Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu nhìn thẳng vào các hạn chế

Sự kiện - Ngày đăng : 18:56, 12/08/2022

Ngày 12.8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2021 của TP.HCM.

Thông tin tại hội nghị cho hay, từ vị trí thứ 23 trong năm 2020, TP.HCM bị tụt xuống vị trí 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021.

TP.HCM giảm 20 bậc, nằm trong nhóm B (gồm 59 tỉnh, kết quả Chỉ số đạt từ 80% - dưới 90%), dưới mức điểm trung bình chung của cả nước là 86,37%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng kết quả các chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI đều không như kỳ vọng, các đơn vị cần nhìn thẳng vào sự thật để quyết liệt sửa.

chu-tich-phan-van-mai-2023.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị-Ảnh: TNO

"Chúng ta tìm giải pháp, không tìm giải thích"- Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị không được vịn cớ thành phố lớn nên nhiều vấn đề phải giải quyết mà phải nhìn thẳng vào hạn chế.

Liên quan đến việc tụt 20 hạng về chỉ số CCHC, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận TP có nỗ lực nhưng các địa phương khác nỗ lực nhiều hơn.

Ông cho rằng, khối lượng công việc hành chính của TP là lớn nhưng chuyển động chậm, sự phối hợp đồng bộ khó khăn. Do đó cần cải thiện vấn đề này để khi một khối lớn đồng bộ, thông suốt thì tạo quán tính chuyển động lớn, muốn dừng cũng không dừng được.

“Nếu đã chuyển động theo hướng tích cực rồi thì TP sẽ phát triển rất tốt, có thể kéo trong một thời gian rất dài, đo đếm bằng nhiệm kỳ chứ không phải hàng năm”, ông nhìn nhận.

Về kết quả chỉ số PCI, ông nhìn nhận dù điểm số của TP có tăng 1,8 điểm nhưng các địa phương khác đang cải thiện PCI tốt hơn.

“Xét trong bối cảnh TP, đừng nghĩ PCI cao thì chúng ta thu hút đầu tư nhiều hơn, cũng đừng nghĩ thu hút đầu tư nhiều hơn có nghĩa PCI đang tốt. Một số nơi, nhà đầu tư "chịu đấm ăn xôi" để về với TP này, chứ không phải nhà đầu tư về đây nhiều tức là chúng ta làm tốt đâu”, ông Mãi phân tích.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nếu TP làm tốt hơn thì lượng đầu tư nhiều hơn và dòng vốn ngân sách, xã hội sẽ sinh lời nhiều hơn.

Về chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính), ông Mãi đặt vấn đề: “Các giám đốc Sở có thực sự hài lòng với nhau chưa? Bao nhiêu huyện không hài lòng với Sở, bao nhiêu Sở không hài lòng với huyện”.

“Ở đây không phải phê bình Sở A, Sở B hay huyện C, huyện D mà điều đó cho ta thấy chúng ta với nhau còn chưa hài lòng”. Ông cho biết, thời gian tới TP sẽ tổ chức hội nghị để các ngành và địa phương “chỉ trích nhau” nhằm chỉ ra những tồn tại và tập trung giải quyết.

hinh1-thu-tuc-hanh-chinh-19-5-7152.jpeg
Người dân TP.HCM làm thủ tục hành chính-Ảnh: P.L

Tại hội nghị, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát về “Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2021”, trong đó có kết quả Chỉ số PAPI năm 2021 của TP.HCM.

Về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2021, tỉnh có điểm thấp nhất và tỉnh điểm cao nhất có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 trên thang điểm từ 1-10. Trong đó, TP.HCM đạt 6,33 điểm, mức điểm trung bình khá, thuộc 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất toàn quốc.

Trong trải nghiệm phải "chung chi" khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), tỷ lệ “lót tay” dao động từ 40-90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Tỉ lệ này ở TP.HCM là 54,96%.

Về tỉ lệ tham gia của người dân ở cấp cơ sở, tất cả tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới 6 điểm trên thang điểm từ 1-10. Riêng TP.HCM đạt 4,06 điểm (mức điểm trung bình thấp, thuộc nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất toàn quốc).

Về tỉ lệ người dân tham gia đóng góp ý kiến cho dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng, ở hầu hết các tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới 50%. Tỉ lệ này ở TP.HCM là ~30%.

Về tiếp cận thông tin kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất của người dân còn rất hạn chế. Tỉ lệ này ở các địa phương dao động từ 5- 30%, ở TP.HCM chỉ đạt khoảng 5%.

Về công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử, chỉ có 337 trong tổng 704 huyện/quận/thành phố/thị xã niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng thông tin điện tử cấp huyện. Trong khi TP.HCM chỉ có 4/22 đơn vị quận/huyện đăng tải.

Có 29/63 tỉnh, thành phố niêm yết công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử. Riêng TP.HCM chưa đăng tải Bảng giá đất 2020- 2024.

Về trách nhiệm giải trình với người dân, tất cả tỉnh, thành phố chỉ đạt dưới 5 điểm trên thang điểm từ 1-10. TP.HCM đạt 4,32 điểm (mức điểm trung bình thấp, thuộc 16 tỉnh đạt điểm trung bình cao toàn quốc).

Theo bà Huyền, để giảm thiểu tương tác trực tiếp giữa người dân và cơ quan cấp giấy CNQSDĐ (một trong những nguyên nhân dẫn tới nhũng nhiễu, bôi trơn), cần thúc đẩy áp dụng điện tử hóa dịch vụ này trong thời gian tới.

Cùng với đó, chính quyền cấp huyện/thị, cấp xã/phường/thị trấn đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách vì người dân mạnh mẽ hơn, bằng cách rà soát những vấn đề người dân chưa hài lòng thông qua các tiêu chí cụ thể trong bộ chỉ số PAPI.

Bà Đỗ Thanh Huyền đề xuất thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin đất đai ở cả ba cấp; áp dụng dịch vụ công điện tử bên cạnh dịch vụ công truyền thống để đáp ứng nhu cầu của công dân trong điều kiện tiếp cận Internet của người dân thành phố.

Tú Viên