Hứa cho Ukraine máy bay MiG-29 từ tháng 4 nhưng Slovakia chưa chuyển giao vì sợ Nga?
Quốc tế - Ngày đăng : 10:28, 15/08/2022
Ông Nad nói: "Máy bay chiến đấu MiG-29 của chúng tôi không có ở Ukraine. Đây (tin máy bay Slovakia ở Ukraine) là thông tin sai lệch. Chúng vẫn đang ở Sliy (sân bay quân sự). Chúng sẽ canh gác không phận của chúng tôi cho đến cuối tháng 8, bạn sẽ thấy chúng vào ngày 27.8 tại SIAF (Liên hoan Hàng không Quốc tế Slovak)".
Bộ trưởng Nad nói thêm: "Chúng tôi đang đàm phán với các đồng minh và đối tác của chúng tôi về những gì cần làm tiếp theo. Quyết định vẫn chưa được đưa ra. Chúng tôi sẽ cho các vị biết khi có thay đổi".
Bốn năm trước, Slovakia đã đặt mua 14 máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ. Ban đầu, những chiếc máy đầu tiên sẽ được giao cho Slovakia trong năm nay và những chiếc còn lại sẽ đưuợc giao sau đó một năm, nhưng theo kế hoạch mới, chúng sẽ đến Slovkia nếu sớm nhất cũng là năm 2024. Máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ thay thế MiG-29.
Ông Nad cho biết vào cuối tháng 4 rằng Ba Lan đã sẵn sàng bảo vệ không phận Slovakia sau khi các máy bay chiến đấu MiG-29 ngừng hoạt động và cho đến khi được bàn giao máy bay chiến đấu F-16 mới.
Từ tháng 9, Slovakia có thể tin tưởng vào Cộng hòa Séc để giúp bảo vệ không phận của mình.
Hồi giữa tháng 4, Tổng thống Zuzana Caputová cho rằng việc Slovakia có thể chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine là đúng đắn và có cơ sở. Tuy nhiên, điều này chỉ làm một khi không phận của quốc gia được bảo vệ an toàn và người Ukraine thực sự có nhu cầu về máy bay chiến đấu.
Cùng thời điểm, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết, việc cung cấp các máy bay chiến đấu MiG-29 của Slovakia cho Ukraine là hoàn toàn có thể. Theo thủ tướng Heger, các cuộc đàm phán đã được tiến hành với các đối tác với nội dung xoay quanh việc đảm bảo không phận của Slovakia. Họ tin rằng họ có thể báo cáo kết quả trong vài tuần.
Vào đầu tháng 7, Thủ tướng Slovakia, ông Eduard Geger, đã nhắc lại rằng nước này có thể chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 và xe tăng do Liên Xô sản xuất cho Ukraine, nhưng ông từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc đàm phán này.
Có thể hiểu chính phủ Slovakia e ngại bước đi này sẽ gây hậu quả tiêu cực cho họ. Việc Slovakia muốn chuyển giao vũ khí cho Ukraine vấp phải sự phản đối to lớn từ trong nước. Đặc biệt, cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico (2010-2018) cho rằng Tổng thống và chính phủ chỉ biết phục vụ lợi ích của Mỹ.
Ông Fico cho rằng việc chuyển giao vũ khí có nghĩa là sự tham gia của Slovakia vào cuộc chiến đồng thời cảnh báo khả năng phòng không của Slovakia sẽ không được đảm bảo. Ngoài ra, việc trao vũ khí cho Ukraine có thể khiến Nga vặn hết luôn nguồn khí đốt cho Slovakia. Bất kỳ áp lực nào từ công chúng trong nước sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ và được phe đối lập tận dụng tối đa.
Hồi cuối tháng 4, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulík cho biết Chính phủ nước này đang thực hiện tất cả các bước có thể để nước này không phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu từ Nga càng sớm càng tốt.
Trên truyền hình, ông Sulik chia sẻ: “Tuy nhiên, điều này đơn giản là không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Trong ngắn hạn, không thể tăng tốc một số quy trình nhất định. Nhưng chúng tôi đang làm việc rất tích cực và đang cố gắng tăng tốc mọi thứ có thể”.
Sulík không muốn đi vào chi tiết, nhưng xác nhận rằng Slovak Gas Works (SPP) sẽ thanh toán bằng đồng euro cho khí đốt tự nhiên cho Ngân hàng Quốc gia Nga. Sau đó, ngân hàng này sẽ chuyển đổi số tiền này từ euro thành rúp rồi chuyển giao cho Gazprom của Nga. "Điều quan trọng đối với tôi là khí tự nhiên sẽ chảy đến Slovakia", Bộ trưởng Kinh tế Sulik nhấn mạnh. Slovakia chấp nhận làm vậy để khỏi đi vào vết xe của Ba Lan và Bulgaria ở thời điểm đó.