Cứu sống bé trai mới 4 tuổi bị đột quỵ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:10, 15/08/2022

Thông thường đột quỵ là bị tắc nghẽn hay vỡ mạch máu não, nhưng bé trai 4 tuổi lại bị huyết khối tĩnh mạch não gây ra sau khi đã mắc COVID-19.

Bé trai V.T.L (4 tuổi, quê Đồng Tháp) bị sốt, ói, tiêu chảy kéo dài 1 tuần và được đưa đến một bệnh viện nhi tại TP. Cần Thơ điều trị. Song tình trạng bé ngày một diễn tiến nặng thêm, gia đình đã chuyển đến Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Tại đây, bé L. luôn trong tình trạng mê man. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị huyết khối tĩnh mạch não rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao, vì cơ thể bé còn nhỏ nên khả năng điều trị thuốc chống đông và can thiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

cuu-song-be-trai-moi-4-tuoi-bi-dot-quy-nao-la-hinh-anh-1(1).png
Các bác sĩ can thiệp và lấy toàn bộ huyết khối trong não bé trai ra, cứu sống bệnh nhi - Ảnh: BVCC

Trước tình hình trên, TS-BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ chỉ đạo các y bác sĩ của bệnh viện này với phương châm “còn nước còn tát” cùng sự quyết tâm của gia đình.

“Chúng tôi đã tiến hành can thiệp lấy ra toàn bộ huyết khối, cứu sống bệnh nhi ngoạn mục. Sau 5 ngày điều trị, đến hôm nay (15.8), bé phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói, yếu liệt”, bác sĩ Cường cho biết.

Chị Yến (mẹ cháu L.) cho biết bé từ khi sinh ra đến giờ ít khi bệnh lắm. Cách đây 6 tháng cháu bị nhiễm COVID-19 nhưng cũng không nặng, chỉ sốt chừng 3 ngày là tự hết.

Tuy nhiên, lần này cháu bị nặng, sốt, ói, ỉa, than nhức đầu nên xuống sức nhanh.Gia đình chuyển xuống Bệnh viện nhi Cần Thơ điều trị nhưng cháu không bớt rồi co giật, mê man, nghi sốt não.

cuu-song-be-trai-moi-4-tuoi-bi-dot-quy-nao-la-hinh-anh(2).png
Sau khi được cứu chữa, bệnh nhi phục hồi tốt, gần như không để lại di chứng về nói, yếu liệt - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Đào Nhật Huy (Đơn vị can thiệp DSA), người trực tiếp can thiệp cho biết huyết khối tĩnh mạch nội sọ trước đây khá hiếm gặp, bệnh gặp nhiều ở nữ giới do có liên quan đến thời kỳ mang thai, hậu sản, sử dụng thuốc ngừa thai, viêm nhiễm hệ thần kinh, hay nhiễm trùng nặng vùng đầu mặt cổ...

Phương pháp điều trị, thông thường nhất là dùng thuốc kháng đông, thở máy, chống động kinh… Trong trường hợp nặng, bệnh nhân xuất huyết nhiều, tắc tĩnh mạch lớn nguy cơ tử vong cao, nếu không có phương pháp can thiệp lấy huyết khối và phẫu thuật thì đa số bệnh nhân sẽ tử vong.

Theo bác sĩ Cường, sau đại dịch COVID-19, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến bệnh lý mạch máu gia tăng đáng kể. Chỉ tính riêng trong tháng 7.2022 vừa qua bệnh viện này đã tiếp nhận đến 5 trường hợp bị đột quỵ liên quan đến bệnh lý huyết khối tĩnh mạch não.

cuu-song-be-trai-moi-4-tuoi-bi-dot-quy-nao-la-hinh-anh-2.png
Hình ảnh can thiệp tái thông mạch máu trên DSA - Ảnh: BVCC

“Sau hơn 15 năm điều trị bệnh lý mạch máu não, trung bình 1 năm chỉ gặp từ 1 - 2 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não nặng, tuy nhiên những năm gần đây sau đại dịch COVID- 19, theo y văn thế giới cũng như ghi nhận tại Việt Nam, có sự gia tăng đáng kể về số lượng bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nội sọ, không kể độ tuổi và giới tính.

Lý giải điều này, y văn đã kết luận bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 có sự kích hoạt quá mức hệ thống miễn dịch, tăng phản ứng viêm, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng huyết khối tĩnh mạch nội sọ trong cộng đồng cũng như các mạch máu khác trong cơ thể như phổi, tim… Để chẩn đoán xác định căn bệnh này, cần dựa vào hình ảnh học như chụp CT có bơm cản quang, MRI tĩnh mạch sọ não, cần thiết có thể chụp DSA tĩnh mạch não để chẩn đoán xác định cũng như can thiệp tái thông trong trường hợp thất bại điều trị thuốc...”, bác sĩ Cường giải thích.

Hồ Quang