Đức muốn đồng minh NATO cấp thêm khí đốt nhưng bị từ chối vì "đã hết sức"

Quốc tế - Ngày đăng : 07:04, 16/08/2022

Đức và Na Uy muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết họ không có khả năng cung cấp thêm khí đốt cho Đức và châu Âu.

Tại cuộc họp với Thủ tướng Olaf Scholz ở Oslo, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nhấn mạnh rằng đất nước của ông đã tăng sản lượng lên gần 10% sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Ông Store khẳng định: “Chúng tôi hiện đang cung cấp ‘tối đa những gì chúng tôi có thể cung cấp’. Chính phủ cũng không quyết định việc sản xuất khí đốt tự nhiên có thể được mở rộng một cách an toàn hay không. Chúng tôi không thể chỉ quyết định về mặt chính trị một cách đơn giản, chúng tôi hiện đang cung cấp nhiều hơn khả năng”.

Hơn nữa, việc khai thác còn phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp Na Uy. Để có sản lượng cao hơn, các mỏ khí mới sẽ phải mở nhiều hơn. Sau khi bị Qatar từ chối, hy vọng của Đức về việc nhanh chóng tìm được khối lượng cung cấp bổ sung để thay thế khí đốt của Nga đã bị tiêu tan ở một quốc gia khác.

Thủ tướng Đức Scholz cũng không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn Na Uy vì đã "vắt kiệt nguồn cung cấp khí đốt ở mức tối đa", đồng thời khẳng định điều này là "rất quan trọng để giảm sự phụ thuộc khí đốt của chúng ta vào Nga".

Thủ tướng Đức trước đó đã tham dự cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu tại Oslo. Ngoài 2 thủ tướng Scholz và Store, Thủ tướng Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Iceland cũng có mặt. Các chủ đề quan trọng nhất là cung cấp năng lượng và tình hình an ninh trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Na Uy hiện đang cung cấp nhiều khí đốt và dầu cho Đức và Châu Âu hơn bao giờ hết. Nhập khẩu từ Na Uy đã tăng đáng kể kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine. Ở Đức, thị phần khí đốt tự nhiên của Na Uy hiện là khoảng 30%. Do đó, nước này đã vượt Nga trở thành nước cung cấp khí đốt quan trọng nhất. Hiện chỉ khoảng 20% ​​khối lượng khí được Nga hứa hẹn đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1. EU nhập khẩu khoảng 20% ​​khí đốt của mình từ Na Uy.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, Bộ Năng lượng ở Oslo đã điều chỉnh giấy phép sản xuất cho ba mỏ lớn ngoài khơi để có thể khai thác nhiều khí tự nhiên hơn ở đó. Tuy nhiên, năng lực sản xuất và đường ống hiện đang được sử dụng tối đa.

Tại cuộc họp với người đồng cấp Scholz, Thủ tướng Store cho biết: “Đối với Na Uy, vấn đề bây giờ là phát triển các nguồn lực mới để có thể tăng cường xuất khẩu hơn nữa”. Nước này cũng sẽ tăng cường cung cấp cho Đức khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhà máy ở Hammerfest ở miền bắc Na Uy. Thủ tướng Store nói: "Ngài có thể dựa vào Na Uy."

Thủ tướng Scholz và những người đứng đầu chính phủ của năm quốc gia Bắc Âu nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với nhau về quá trình chuyển đổi năng lượng trong tương lai. Thủ tướng Store đã dành những lời khen ngợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức: “Đất nước các ngài đã đương đầu với thách thức lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo". Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Na Uy cảnh báo việc quay lưng lại với các năng lượng hóa thạch sẽ rất "khó khăn và nhiều sóng gió".

duc.jpg
Người Đức không muốn dùng năng lượng hóa thạch vì bảo vệ môi trường

Việc dùng năng lượng hóa thạch sẽ nảy sinh ra vấn đề mới là khí thái CO2 trong khi các nước châu Âu đang hướng tới giảm khí phát thải. Thủ tướng Store đề xuất EU (Na Uy không thuộc EU) nên nghĩ đến việc chôn khí CO2 xuống đáy biển để khỏi phát tán vào bầu khí quyển. Khi đó thì sẽ không lo hiệu ứng nhà kính nữa.

A.T