Bloomberg gợi ý Trung Quốc nên học hỏi cách chống dịch COVID-19 của Việt Nam

Quốc tế - Ngày đăng : 07:07, 17/08/2022

LTS: Trong quá trình chống dịch COVID-19, Việt Nam học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Do vậy, việc các nước chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của nhau vì Một Thế Giới tốt đẹp hơn, là điều rất bình thường.

Theo bài đăng trên Bloomberg vào ssng nay, ngay từ đầu, cả hai quốc gia (Việt Nam và Trung Quốc) đều mong muốn phát triển vắc-xin của riêng mình. Vào tháng 6.2021, vắc xin của Việt Nam bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Việt Nam khi ấy mới chỉ có 1,5% trong số 98 triệu dân số đã được tiêm ít nhất một mũi tiêm. Việt Nam khi đó cũng có cách tiếp cận không khoan nhượng với nhiều đợt giãn cách xã hội giống như Trung Quốc hiện giờ.

Trước tình hình đó, Việt Nam đã tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài với các loại vắc xin từ khắp nơi trên thế giới được chấp thuận, và vào mùa thu năm 2021, người dân Việt Namđã tiêm thuốc từ AstraZeneca Plc, Pfizer Inc…, kể cả Sinopharm của Trung Quốc. Việt Nam đã chấp nhận các khoản đóng góp từ các chính phủ nước ngoài, thông qua cơ chế Covax của Tổ chức Y tế Thế giới và kêu gọi các doanh nghiệp như Samsung Electronics Co. tìm kiếm và hỗ trợ trong việc tìm nguồn vắc xin.

Trong khi Việt Nam nhập vắc xin từ khắp nơi trên thế giới thì Trung Quốc vẫn kiên trì với vắc-xin sản xuất trong nước.

Với các loại vắc-xin hiệu quả hơn để bảo vệ dân số, Việt Nam đã có thể mở lại biên giới hoàn toàn vào giữa tháng 3. Hiện Trung Quốc vẫn từ chối nhập khẩu vắc xin mRNA và tiếp tục sử dụng các biện pháp đóng cửa ở cấp thành phố.

Kết quả là, sự tương phản trong hội nhập kinh tế giữa hai quốc gia không thể rõ ràng hơn. Để nhập cảnh vào Việt Nam, du khách không cần xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Trong khi đó, con đường vào Trung Quốc dài và quanh co.

u21.jpg
Từng là điểm nóng trong tâm dịch COVID-19 vào năm ngoái, Bình Dương vừa tổ chức giải U.19 Quốc tế Thanh Niên với hàng vạn khán giả đến sân hồi tuần trước

Ngoài một số yêu cầu, khách du lịch chỉ đơn giản là không thể nhận được vé máy bay. Trước dịch COVID, hãng hàng không hàng đầu của Hồng Kông là Cathay Pacific Airways Ltd. đã có các chuyến bay hàng giờ đến Bắc Kinh và Thượng Hải; ngày nay, hãng có nhiều chuyến bay đến TP.HCM hơn là đến trung tâm chính trị hoặc thương mại của Trung Quốc. Sân bay quốc tế Hồng Kông đã trở nên vắng vẻ lạ thường...

Sau khi mở cửa lại bình thường, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm nay, trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều thừa nhận rằng nước này sẽ khó đạt mục tiêu 5,5%.

Tính đến 15.8, Việt Nam đã tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 251.680.004 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 216.412.521 liều: Mũi 1 là 71.322.630 liều; Mũi 2 là 70.353.294 liều; Mũi bổ sung là 13.752.748 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 49.019.980 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 11.963.869 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 21.610.587 liều: Mũi 1 là 9.063.004 liều; Mũi 2 là 8.717.494 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 3.830.089 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 13.656.896 liều: Mũi 1 là 8.581.990 liều; Mũi 2 là 5.074.906 liều.

Theo Bộ Y tế

Anh Tú (lược dịch)