Apple đàm phán để lần đầu sản xuất Apple Watch và MacBook ở Việt Nam

Thế giới số - Ngày đăng : 09:49, 17/08/2022

Việt Nam cần tích cực chuẩn bị khi Apple tìm cách sản xuất nhiều sản phẩm hơn bên ngoài Trung Quốc.

Theo trang Nikkei Asia, Apple đang đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam.

Các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền bắc Việt Nam với mục đích lần đầu tiên sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc, ba người am tường vấn đề này nói với trang Nikkei Asia.

apple-dam-phan-de-viet-nam-lan-dau-san-xuat-apple-watch-mac-book.jpg
Sản xuất Apple Watch sẽ là một thắng lợi cho Việt Nam khi nước ta đang cố gắng nâng cấp hơn nữa lĩnh vực sản xuất công nghệ - Ảnh: AP và Reuters)

Đầu tháng 6.2022, chính Nikkei Asia là trang đầu tiên đưa tin một phần dây chuyền lắp ráp iPad được chuyển tới Việt Nam. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên máy tính bảng của Apple được sản xuất ngoài Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, Apple lần đầu tiên chuyển một số hoạt động sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh gián đoạn liên tục do phong tỏa ở các thành phố như Thượng Hải.

BYD, nhà sản xuất và cung cấp iPad lớn ở Trung Quốc, sẽ sớm bắt đầu sản xuất một số lượng nhỏ máy tính bảng Apple tại Việt Nam. iPad sẽ là dòng sản phẩm lớn thứ hai của Apple được sản xuất tại Việt Nam sau AirPods Pro 2.

Apple cũng yêu cầu một số nhà sản xuất tại Trung Quốc dự trữ các bộ phận linh kiện như bảng mạch, chip để bảo vệ khỏi sự gián đoạn nguồn cung trong tương lai và giảm bớt sự gián đoạn do phong tỏa đang diễn ra, Nikkei Asia đưa tin.

Hơn nữa, Apple còn yêu cầu các nhà cung cấp phải đảm bảo nguồn cung ứng chip, đặc biệt các chip liên quan đến năng lượng dành cho những chiếc iPhone sắp ra mắt. Hãng công nghệ Mỹ đang yêu cầu các nhà cung cấp bên ngoài khu phong tỏa tích trữ lượng hàng tồn kho có thể sử dụng trong nhiều tháng. Yêu cầu này áp dụng cho mọi dòng sản phẩm của Apple gồm iPhone, iPad, AirPods và MacBook.

Song theo nguồn tin Nikkei Asia, sẽ rất rủi ro cho bất kỳ nhà cung cấp nào tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Apple khi có dấu hiệu cho thấy nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng đang chậm lại do lạm phát và chi phí năng lượng gia tăng. Nếu Apple không sử dụng hết lượng hàng tồn kho này, các nhà cung cấp có thể bị bỏ rơi.

Một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei Asia: "Kho hàng dự trữ bổ sung đó có thể trở thành gánh nặng khổng lồ cho các nhà cung cấp nếu việc sản xuất của các nhà cung cấp khác không bị gián đoạn bởi phong tỏa lần nữa".

Ông nói thêm rằng, dù phần lớn các nhà cung cấp đều đồng ý gia tăng lượng hàng tích trữ nhưng chắc chắn không tăng nguồn cung đủ để bù đắp cho việc thiếu hụt của các đối thủ khác.

Việc phong tỏa kéo dài 2 tháng (đến đầu tháng 6.2022) ở Thượng Hải đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho lĩnh vực công nghệ vốn đã bị cản trở bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn đang diễn ra.

Hồi tháng 4.2022, Tim Cook - Giám đốc điều hành của Apple ước tính rằng những hạn chế về nguồn cung này sẽ khiến công ty thiệt hại từ 4 tỉ đến 8 tỉ USD.

Quanta Computer, một nhà cung cấp khác cho Apple, đã bị giám sát vì hệ thống làm việc khép kín khiến công nhân phải ở trong các ký túc xá trong khuôn viên và làm dấy lên các cuộc phản đối.

Apple đã có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào việc ra quyết định ở Bắc Kinh và các mối quan hệ thương mại với Mỹ, nhưng điều đó đã bị đình trệ khi đại dịch bắt đầu, theo tờ The Wall Street Journal.

Một số nhà sản xuất iPhone đã được chuyển đến nhà máy Foxconn vào năm 2017 gần thành phố Chennai, Ấn Độ, nhưng khoảng 90% sản phẩm của họ vẫn đang được sản xuất tại Trung Quốc, các nhà phân tích nói với The Wall Street Journal.

Khoảng 58 triệu chiếc iPad đã được xuất xưởng vào năm ngoái, so với 233 triệu iPhone.

Hồi tháng 1.2022, theo nguồn tin của Nikkei Asia, Apple cân nhắc dời một số dây chuyền sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc, song dịch bất ngờ bùng phát tại Việt Nam khiến kế hoạch chậm trễ.

Nhà máy sản xuất iPad ở Phú Thọ

Tháng 12.2021, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy phép xây dựng số 33/GPXD cho Công ty TNHH BYD Việt Nam, triển khai dự án Nhà máy điện tử BYD Việt Nam giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Theo kế hoạch đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào tháng 9.2021, dự án bao gồm 2 giai đoạn. Nhà máy BYD Việt Nam giai đoạn 1 gồm nhà xưởng diện tích 200.000 m2, công suất mỗi năm gồm 4.325.069 máy tính bảng và 50 triệu sản phẩm lăng kính quang học.

Tổng vốn đầu tư dự án là 6.231 tỉ đồng, tương đương 270 triệu USD. Nhà máy giai đoạn 1 của BYD dự kiến sản xuất hàng loạt từ tháng 6.2022.

Vào tháng 3.2022, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương và Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam tổ chức diễn đàn trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, quy trình tuyển dụng lao động của công ty.

Foxconn mở rộng sản xuất iPhone ở Ấn Độ khi căng thẳng eo biển Đài Loan leo thang

Foxconn, nhà cung cấp hàng đầu của Apple, đã bổ sung thêm năng lực sản xuất iPhone cho một nhà máy hiện có ở Ấn Độ như nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan, sẽ sớm bắt đầu sản xuất smartphone tại một tòa nhà mới tại nhà máy hiện có gần Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, theo tờ The Economic Times, trích dẫn các nguồn tin giấu tên.

The Economic Times cho biết động thái này diễn ra sau đợt tuyển dụng của Foxconn tại Ấn Độ trong những tuần gần đây.

Những năm gần đây, Apple và Foxconn đã tăng cường nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng của họ bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam, hai nơi đẩy mạnh sản xuất trong nước. Các chuỗi cung ứng phải đối mặt với nhiều sóng gió trong vài năm do sự gián đoạn từ đại dịch và các xung đột địa chính trị.

Theo trang web của mình, Foxconn đã thành lập hơn 40 khu công nghiệp ở Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, các đợt phong tỏa phòng chống đại dịch thường xuyên và các thảm họa khác đã khiến sản xuất bị chậm lại.

Trong bối cảnh các đợt bùng phát nhỏ ở Thâm Quyến năm nay, các công ty tại thành phố đã hai lần bị buộc phải làm việc theo "vòng khép kín", chính sách Trung Quốc yêu cầu nhân viên phải sống và làm việc ở khuôn viên công ty để các nhà máy hoạt động.

Ba khu phức hợp của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc đã đình chỉ tuyển dụng công nhân mới vào tháng 5.2022 sau khi chính quyền địa phương áp đặt lệnh phong tỏa 7 ngày như một phần các biện pháp kiểm soát đại dịch. Tổng công suất của các cơ sở này khiến Trịnh Châu trở thành nơi sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.

Hai trong số các cơ sở ở Trịnh Châu cũng bị ảnh hưởng vào mùa hè năm ngoái do trận lũ lụt thảm khốc đổ bộ vào tỉnh Hà Nam, khiến hàng chục ngàn công nhân Foxconn phải nghỉ việc.

Giữa những trở ngại này và các hạn chế thương mại gia tăng từ Mỹ, Foxconn vẫn cam kết sản xuất tại Trung Quốc, một phần quan trọng của chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị mới giữa Đài Loan và Trung Quốc có nguy cơ gây thêm đau đầu cho các công ty Đài Loan.

Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan và gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, Trung Quốc đã triển khai quân đội xung quanh đảo, thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật làm gián đoạn giao thông trên biển và trên không. Đài Loan cũng cấm nhập khẩu một số loại cá, trái cây và ngừng xuất khẩu cát, được sử dụng cho các dự án xây dựng.

Foxconn đã tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình tại Ấn Độ trong nhiều năm. Năm 2015, Foxconn cho biết sẽ xây dựng 12 nhà máy ở nước này, sử dụng gần 1 triệu công nhân.

Hiện Foxconn chỉ có một nhà máy gần thành phố Chennai, đôi khi được gọi là "Detroit của châu Á" vì cơ sở công nghiệp của nó.

Cuối năm ngoái, nhà máy đã tạm thời đóng cửa sau cuộc biểu tình của công nhân về vấn đề an toàn thực phẩm. Các dây chuyền sản xuất đã mở cửa trở lại vào tháng 1.2022.

Cũng trong năm ngoái, Việt Nam đã thông qua kế hoạch cho Foxconn xây dựng một nhà máy trị giá 270 triệu USD chuyên sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng. Foxconn cho biết đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam cuối năm 2020 và đầu tư thêm 700 triệu USD vào 2021.

Công ty cho biết năm ngoái rằng đặt mục tiêu đạt doanh thu 40 tỉ USD tại quốc gia Đông Nam Á trong vòng 3 năm tới 5 năm.

Sơn Vân