Cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để cộng đồng hiểu đúng về phòng chống tham nhũng

Sự kiện - Ngày đăng : 19:00, 17/08/2022

Ngày 17.8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 16 mở rộng.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM; thảo luận nội dung tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội...

Phát biểu định hướng hoạt động, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết việc thành lập ban chỉ đạo nhằm khẳng định với Đảng bộ và nhân dân TP về quyết tâm đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; giúp hệ thống chính trị và nhân dân hiểu, tiếp tục quan tâm theo dõi, ủng hộ công tác chống phòng chống tham nhũng của TP.

17-08-2022-su-dung-hieu-qua-cong-cu-truyen-thong-va-su-giam-sat-cua-nhan-dan-trong-cong-tac-a1ac6d03-details.jpeg

Bí thư Thành ủy TP.HCM phân tích, trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là chính. Vì vậy, trước hết phải quan tâm chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy chế, quy định nhằm chủ động phòng ngừa, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở những lĩnh vực quan trọng, cơ quan, đơn vị và vị trí công tác có nhiều nguy cơ, có rủi ro cao.

Bí thư Nên đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, các ngành, các cấp, các cơ quan báo chí tiếp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, làm cho người dân và cộng đồng xã hội hiểu đúng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của TP.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử và đại biểu của dân; của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; sử dụng hiệu quả công cụ truyền thông và sự giám sát của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi, tự sửa, đặt mình trong bối cảnh từng trường hợp cụ thể để tự khắc phục, để rút kinh nghiệm, để làm sao cho cán bộ không thể, không dám và không muốn làm những hành động tiêu cực.

“Chúng ta rất cần sự đồng tình ủng hộ và giám sát của nhân dân. Đây là công việc thường xuyên liên tục đòi hỏi sự cương quyết, kiên trì bằng nhiều biện pháp đồng bộ từ chính trị, tư tưởng, tổ chức đến hành chính, kinh tế và pháp luật”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu từng thành viên Ban Chỉ đạo xác định trọng trách của mình để cố gắng sống và làm việc xứng đáng với vai trò được giao. Thường trực Ban Chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác đã được Ban Bí thư quy định.

Nhanh chóng rà soát, thống kê, phân loại đưa vào chương trình kế hoạch lịch công tác phân công cụ thể; phối hợp rạch ròi có thời gian kết thúc. Đồng thời quan tâm chỉ đạo đồng bộ cả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung giúp Thành ủy chỉ đạo xử lý nghiêm những vụ án, vụ việc tồn đọng phức tạp hiện nay trên từng địa bàn.

Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, ông Nên yêu cầu cần sớm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác theo nhiệm vụ được phân công. Điều quan trọng nhất là làm đúng vai trò, chức trách của mình, với tinh thần công minh, chính trực, không nể nang, không né tránh, hết sức khách quan, không ngại va chạm. Đặc biệt phải giữ đúng nguyên tắc hoạt động, tôn trọng và không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM trực thuộc Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM. Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên, trong đó có 1 trưởng ban, 5 phó trưởng ban và 9 ủy viên. Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM làm Trưởng ban Chỉ đạo. 5 phó trưởng ban là người đứng đầu HĐND TP.HCM, ban nội chính, ủy ban kiểm tra, ban tổ chức và công an.

Tú Viên