Doanh nghiệp tại An Giang than khó vì vướng văn bản từ Tổng cục Hải quan

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:25, 17/08/2022

Các doanh nghiệp kinh doanh nông thủy sản trên địa bàn TT.Long Bình (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình), huyện An Phú cho rằng các bãi tập kết của doanh nghiệp đang gặp khó do vướng văn bản số 2777 của Tổng cục Hải quan.

Doanh nghiệp lý giải việc vướng văn bản số 2777 của Tổng cục Hải quan

Ngày 17.8, gửi đơn đến Một Thế Giới, đại diện các Công ty TNHH MTV Ngân Ý, Huỳnh Kim Mỹ, Đức Thành Long Bình trên địa bàn TT.Long Bình (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Khánh Bình), huyện An Phú cho rằng các bãi tập kết của doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, có thể khiến hàng trăm công nhân thất nghiệp.

1-nong-thuy-san.jpg
Văn bản số 2.777 của Tổng cục Hải quan - Ảnh: Tô Văn
2-nong-thuy-san.jpg
Các doanh nghiệp viết đơn cầu cứu báo chí - Ảnh: Tô Văn

Các doanh nghiệp này trình bày, vào ngày 7.7, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 2777/TCHQ-GSQL gửi cho Cục Hải quan tỉnh An Giang về công tác quản lý, giám sát hải quan tại các cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh An Giang.

Ngày 1.8, Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Khánh Bình có thư mời gửi đại diện UBND, Công an huyện An Phú, Đồn biên phòng cửa khẩu Khánh Bình, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu (BQLKKTCK) Khánh Bình, đại diện các doanh nghiệp: Dương Lan, Hải Thịnh Phát, Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ, Trương Minh Hải, Đào Tài Lộc… đến để triển khai văn bản số 2777/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan. Thời gian triển khai là 16 giờ ngày 4.8.

Tại cuộc họp, Chi cục HQCK Khánh Bình và BQLKKTCK Khánh Bình đã nêu 3 địa điểm để các doanh nghiệp lựa chọn làm nơi kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Trong đó 1 địa điểm do nhà nước quản lý (không thu phí) và 2 địa điểm do tư nhân quản lý (có thu phí).

3-nong-thuy-san.jpg
Các doanh nghiệp nêu khó khăn và làm đơn xin gia hạn thủ tục để được xem xét - Ảnh: Tô Văn

Cũng tại cuộc họp, các doanh nghiệp có nêu lên các khó khăn và xin 1 tháng để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Chủ trì cuộc họp đề nghị đại diện các doanh nghiệp về làm văn bản để được xem xét.

Đến ngày 6.8, các doanh nghiệp Ngân Ý An Phú, Đức Thành Long Bình, Huỳnh Kim Mỹ có đơn xin gia hạn gửi đến Cục Hải quan An Giang, Chi cục HQCK Khánh Bình, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh để trình bày những khó khăn như: do tính chất đặc thù ngành nghề kinh doanh của công ty là rau củ quả và thủy sản tươi sống. Hàng hóa được thu mua từ các hộ nông dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh vận chuyển về các bãi tập kết của doanh nghiệp để thực hiện trao đổi, mua bán với người dân Campuchia.

“Hàng hóa vận chuyển về bãi tập kết của doanh nghiệp phải được thực hiện ngay việc phân loại, sắp xếp, đóng gói… để kịp thời gian giao hàng nhằm đảm bảo cho hàng hóa trong tình trạng tốt nhất. Đây là phương pháp hợp tác giao kết mua bán hiện nay của công ty đã được đối tác và thương nhân Campuchia chấp nhận.

Vì vậy, nếu tập trung các doanh nghiệp chúng tôi đến 3 địa điểm thông báo đủ điều kiện là không khả thi. Lý do là tại những nơi này chưa có mái che, nguồn nước sạch không đủ đáp ứng, lực lượng công nhân và phương tiện tập trung quá đông dễ gây mất an toàn lao động, giao thông…”, các doanh nghiệp trình bày trong đơn.

5-nong-thuy-san.jpg
Một doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề thủy sản - Ảnh: Tô Văn

Ông Nguyễn Văn Đượm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Ý cho biết, doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế theo sự kêu gọi của UBND tỉnh, huyện cũng như Ban Quản lý khu kinh tế.

“Chúng tôi đầu tư hàng chục tỉ đồng vào đây để thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Tuy nhiên, đến nay Cục Hải quan lại không cho doanh nghiệp được kiểm tra hàng hóa mà phải đến doanh nghiệp khác để kiểm tra. Điều này dẫn đến việc chậm trễ, hàng hóa bị hư hao và tốn thêm chi phí phát sinh”, ông Đượm nói.

Ông Đượm cho biết thêm, khi đầu tư doanh nghiệp đều làm bài bản khu phân loại hàng hóa. Thời gian doanh nghiệp đầu tư đến nay đã ngót nghét 3 năm.

“Nếu từ đầu Cục Hải Quan tư vấn nói mô hình này làm không được thì cũng phải hướng dẫn cho doanh nghiệp và có thời gian để xin giấy phép, hoàn thiện thủ tục. Chúng tôi bức xúc là Cục Hải Quan triển khai theo công văn Tổng cục tuần trước thì tuần sau làm liền. Điều đáng nói, khi mời chúng tôi họp và chúng tôi nêu khó khăn, xin làm đơn gia hạn thì đại diện Cục Hải Quan không trả lời.

Nông thủy sản của chúng tôi được đưa đi tiêu thụ trải dài từ Bắc vào các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, tại khu cửa khẩu này, chúng tôi còn xuất nông sản sang Campuchia khoảng 300 tấn mỗi ngày.

Việc xử lý cứng nhắc của Cục Hải quan có thể khiến lượng hàng hóa của doanh nghiệp tồn đọng rồi hư hỏng. Từ đó, các đối tác chuyển qua cửa khẩu khác thì có phải thiệt hại nặng nề cho chúng tôi không? Tôi mong mỏi ngành chức năng có liên quan cũng như UBND tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian để hoàn thiện thủ tục theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan”, ông Đượm nói.

4-nong-thuy-san.jpg
Một doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề nông sản - Ảnh: Tô Văn

Với diện tích là 6.000 mét vuông được xây dựng cơ sở khang trang, tổng chi phí đầu tư khoảng 6 tỉ đồng để kinh doanh mặt hàng thủy sản, ông Đặng Ngọc Đức (chủ doanh nghiệp Đức Thành Long Bình) chia sẻ: “Ngày 15.8 triển khai là quá bất ngờ, doanh nghiệp không đủ thời gian để hoàn thiện các thủ tục. Nếu hàng của doanh nghiệp tôi chuyển qua các địa điểm kia thì nguồn nước khó đáp ứng được, bởi có xe phải sử dụng nước sông, có xe phải dụng nước giếng. Chưa nói đến việc nguồn nước bên đó có đảm bảo chất lượng hay không.

Điều kiện làm việc của lực lượng công nhân phải có mái che mới đảm bảo sức khỏe, hệ thống điện dự phòng cũng phải có. Ngoài ra, hàng chục xe tải đến doanh nghiệp để tập kết mà đưa qua đó phải cân lại từng thùng sẽ thiệt hại rất lớn”.

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới vào ngày 15.8, tại Công ty TNHH MTV Ngân Ý, đơn vị này sử dụng khoảng từ 70-100 công nhân. Ngoài ra chưa kể đến công cụ, dụng cụ để phân loại hàng hóa nhiều vô số kể. Tất cả hàng hóa của doanh nghiệp này phải đưa vào các điểm tập trung quy định để kiểm tra.

"Thực hiện cứng nhắc và vội vàng"

Để làm rõ thông tin một cách khách quan và chính xác, phóng viên đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Hà Văn Trọng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, Cục Hải quan tỉnh An Giang. Ông Trọng cho biết vừa qua Phó tổng Cục Hải quan có vào đây để kiểm tra và yêu cầu các loại hàng xuất khẩu (cá, nông sản) phải vào bãi kiểm tra tập trung (có camera, phần mềm quản lý và Tổng cục Hải quan công nhận).

“Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài thì Tổng cục Hải quan quy định phải được kiểm tra, giám sát hải quan tại các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan chấp nhận. Hải quan không được thực hiện giám sát tại các địa điểm tập kết tự phát của các cá nhân, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn được giám sát tại cơ sở của mình thì phải xin phép Tổng cục”, ông Trọng cho biết.

6-nong-thuy-san.jpg
Việc triển khai văn bản số 2777 vội vàng sẽ làm doanh nghiệp trở tay không kịp, thiệt hại hàng hóa - Ảnh: Tô Văn

Ông Trần Hòa Hợp - Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết, việc Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình thực hiện theo văn bản của Tổng cục Hải quan có thể quá vội vàng.

“Khi đơn vị Hải quan này tổ chức các cuộc họp với doanh nghiệp, đại diện huyện có tham dự và đề nghị kéo giãn thời gian cho doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục. Cục Hải quan thực hiện theo chủ trương của Tổng cục là đúng. Tuy nhiên, việc triển khai cứng nhắc có thể làm doanh nghiệp trở tay không kịp, thiệt hại hàng hóa thì nên phải xem lại. Địa phương đã kiến nghị nhưng chưa thấy ý kiến phản hồi của họ”, ông Hợp nói.

Tô Văn