Xung đột ở Ethiopia không được chú ý như ở Ukraine chỉ vì "màu da"

Quốc tế - Ngày đăng : 09:51, 18/08/2022

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng sự phân biệt chủng tộc là nguyên nhân đứng đằng sau sự thiếu quan tâm của quốc tế đến hoàn cảnh khó khăn của người dân ở vùng Tigray bị chiến tranh tàn phá của Ethiopia.

Gọi đây là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới" với 6 triệu người không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản, ông Tedros đặt câu hỏi trong một lời kêu gọi đầy xúc động rằng tại sao tình hình ở vùng Tigray không được chú ý như cuộc xung đột Ukraine.

"Nguyên nhân có thể lý do là màu da," ông Tedros cho biết. Vào tháng 4 năm nay tại một cuộc họp, ông Tedros đã đặt câu hỏi liệu "cuộc sống của người da đen và người da trắng" trong các trường hợp khẩn cấp trên toàn thế giới có được quan tâm như nhau hay không.

anh-chup-man-hinh-2022-08-18-luc-08.59.24.png

Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, cũng tỏ ra lo lắng về hạn hán và nạn đói đang diễn ra ở vùng Sừng châu Phi, và cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra.

"Dường như không ai quan tâm đến những gì đang xảy ra ở vùng Sừng châu Phi", ông Ryan nói trong một cuộc họp báo.

WHO đã kêu gọi 123,7 triệu đô la để giải quyết các vấn đề sức khỏe do suy dinh dưỡng ngày càng tăng trong khu vực, nơi có khoảng 200 triệu người sống và hàng triệu người đang đói.

Xung đột ở vùng Tigray bùng phát từ tháng 11.2020 giữa quân đội chính phủ liên bang Ethiopia và các lực lượng trung thành với TPLF đang kiểm soát vùng này. Sau thời gian đầu bị mất quyền kiểm soát các thành phố và thị trấn ở Tigray, TPLF đã tập hợp lại và chiếm lại tỉnh trên hồi tháng 6.2021. Đến tháng 11.2021, TPLF tuyên bố tiến quân tới thủ đô Addis Abada, nhưng chính phủ đã triển khai chiến dịch quân sự giành lại các vùng lân cận.

Theo ước tính của LHQ, giao tranh đã khiến hàng nghìn người Ethiopia thiệt mạng, hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đẩy hơn 350.000 người đứng bên bờ vực của nạn đói, gây ra nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Có khoảng 4,5-5 triệu người dân ở khu vực này đang cần hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt là viện trợ lương thực. Tình trạng thiếu nhu yếu phẩm, đặc biệt là thuốc chữa bệnh và khí đốt, đã làm tê liệt hoạt động cứu thương và khiến hệ thống y tế ở Tigray gần như sụp đổ. Xung đột cũng khiến hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán, trong đó hơn 60.000 người đã chạy sang nước láng giềng Sudan. 

Đan Thuỳ