Thí sinh băn khoăn điều chỉnh nguyện vọng: Một phần do học phí
Giáo dục - Ngày đăng : 12:23, 18/08/2022
Không nên đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào phút cuối
Báo cáo của Bộ GD-ĐT hiện nay hơn 1 nửa thí sinh đăng ký nguyện vọng so với gần 1 triệu thí sinh xét tuyển vào ĐH. Trong khi đó chỉ còn vài ngày nữa là cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng của các trường sẽ đóng lại.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết các thí sinh cần có những chiến thuật sắp xếp các nguyện vọng sao cho hợp lý vì mỗi phương thức xét tuyển cần có một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định. Những trường hợp còn băn khoăn thì thí sinh nên đăng ký xét tuyển bằng các phương thức khác theo thứ tự ưu tiên ngành yêu thích, phù hợp với năng lực; đồng thời, phải đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm xuống bên dưới. Khi đó nếu thí sinh không trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vẫn bảo đảm trúng tuyển bằng phương thức đã đủ điều kiện.
Chia sẻ với phóng viên về những băn khoăn của mình, em Nguyễn Huy Nhật (Hà Tĩnh) cho biết hiện nay em vẫn băn khoăn chưa thể đăng ký nguyện vọng vào trường bởi lẽ sở thích của em là trường Ngoại giao nhưng học phí tại trường này khá cao nên việc em theo học sẽ gây khó khăn cho kinh tế gia đình. Vì thế em đành phải băn khoăn lựa chọn các trường khác và với khoa hợp ý mình, do thời gian lớn em tìm hiểu về học phí các nơi để so sánh và xin bố mẹ thì việc em vẫn "có hy vọng đăng ký nguyện vọng vào trường Ngoại giao nếu gia đình cho phép".
Cũng như Nhật, trao đổi với phóng viên chị Phan Bích Hằng (Hà Nội) cho biết điểm thi con của chị năm nay cũng vừa tầm vào các trường ĐH trung bình, tuy nhiên chị vẫn muốn cùng con chọn thêm và xem các trường top đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu chưa? Nếu chưa tuyển đủ thì sẽ lựa chọn thử để hy vọng điểm số đó vừa vặn để vào trường top đầu như Kinh tế, Ngân hàng...
"Dù biết kỳ hạn đăng ký nguyện vọng đang đến gần nhưng vẫn chưa thật sự tin tưởng con đăng ký sẽ đỗ vào trường mà con mình thích nên 2 mẹ con cứ cố gắng lựa chọn, tìm phương án thích hợp nhất để con không phải học những trường mà điểm số vẫn còn thừa ra khá nhiều" - chị Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên, trái với các lo lắng của thí sinh và phụ huynh, đại diện các trường ĐH, CĐ cũng như Bộ GD-ĐT khẳng định các thí sinh không nên đăng ký nguyện vọng quá muộn. Tính đến thời điểm ngày 12.8, đã quá 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng có đến 50% thí sinh chưa đăng ký. Bộ GD-ĐT đã thông tin tới các Sở GD-ĐT, các trường đại học yêu cầu nhắc nhở thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung theo đúng kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tránh làm mất cơ hội xét tuyển.
Sau 17 giờ ngày 20.8, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang quy trình tiếp theo. Điều đó có nghĩa là thí sinh không còn quyền đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. "Nếu để đến ngày cuối mới đăng ký nguyện vọng, thí sinh có thể gặp những rủi ro về mặt kỹ thuật, như đăng ký xong nhưng không lưu được. Đó là chưa kể việc thao tác vội vàng dễ dẫn đến những nhầm lẫn thông tin đăng ký xét tuyển như mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển... sẽ rất đáng tiếc cho các thí sinh" - đại diện trường ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ.
Đắn đo với nguyện vọng vì.... học phí
Việc đăng ký nguyện vọng cho các thí sinh, sự cẩn thận là điều cần thiết tuy niên không vì thế mà chính thí sinh lại đẩy mình vào thế khó khi vào những ngày cuối rất dễ xảy ra sai sót, khó kiểm soát, khó điều chỉnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc thí sinh cân nhắc về điểm số, sở thích, năng lực... thì việc học phí tại các trường ĐH hiện nay khá cao khiến gia đình các em chưa cân đối được tài chính của gia đình. Đặc biệt là học phí năm 2022 - 2023 sẽ tăng cao trong thờ gian tới. Mặc dù các trường ĐH cho biết đã chuẩn bị các phương án để hỗ trợ sinh viên, không để bất cứ tân sinh viên nào vì khó khăn mà phải bỏ học nhưng việc để những thí sinh đăng ký vào trường học sau đó mới xin hỗ trợ cũng khá khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, thí sinh Tòng Thị Nhân (Sơn La) cho biết hiện nay em đã đạt điểm số là 26,5 điểm, nếu xét tuyển vào trường ĐH Luật thì sẽ đỗ ở một số khoa. "Tuy nhiên với học phí dự kiến tăng cao thì em đã thay đổi ngành học chuyển sang học trường ĐH khác có mức học phí thấp hơn để thuận lợi theo học. Còn sở thích thì có lẽ em phải chờ học văn bằng 2 khi mình đã đi làm rồi".
Năm 2022, có khoảng 30 trường ĐH tăng học phí ở mức biến động đáng kể nên nhiều thí sinh băn khoăn giữa học phí và ngành muốn học. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng hiện nay có nhiều học sinh băn khoăn về phương án tuyển sinh nếu do học phí thì cần lưu ý đã có rất nhiều phương án hỗ trợ cho các sinh viên khi nhập học.
Đa số các trường hiện nay đều khẳng định, trong quá trình học tập nếu gặp phải bất kỳ khó khăn nào về học phí, tân sinh viên có thể liên hệ với nhiều phòng ban chuyên môn tại các trường ĐH như phòng công tác sinh viên hay phòng chăm sóc và hỗ trợ người học để được nhận được những sự tư vấn và giúp đỡ kịp thời. Các thầy cô cũng có kết nối với nhiều nhà hảo tâm có thể vận động hỗ trợ thêm cho các bạn thật sự cần được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện cũng có nhiều chương trình cho vay ưu đãi dành riêng cho đối tượng sinh viên ở nhiều trường ĐH khác nhau.
Theo một số trường đại học, sở dĩ học phí năm học 2022 - 2023 được điều chỉnh tăng là bởi các trường phải xây dựng khung học phí mới theo theo nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo đó, nhìn chung học phí tất cả khối ngành năm 2022 - 2023 ghi nhận mức tăng khoảng 300.000 - 10 triệu đồng/năm đều tăng so với năm trước ở hầu hết các ngành đào tạo. "Tăng học phí còn là để đảm bảo trường đại học có đủ kinh phí hoạt động khi đã tự chủ và không còn hưởng ngân sách nhà nước. Vì thế các học sinh cần lựa chọn đúng ngành phù hợp và sở thích sau đó khi nhập học vào nhà trường sẽ có hỗ trợ riêng cho từng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn" - Đại diện trường ĐH Y Hà Nội khẳng định.