Thấy gì từ việc Trung Quốc cử quân tới Nga tập trận giữa lúc căng thẳng với phương Tây?
Quốc tế - Ngày đăng : 13:31, 18/08/2022
Theo Reuters, trong tuyên bố hôm 17.8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc tham gia cuộc tập trận tại Nga là một phần trong thỏa thuận hợp tác song phương thường niên giữa hai nước, và khẳng định các cuộc tập trận "không liên quan tới tình hình khu vực và quốc tế hiện nay".
"Mục tiêu của các cuộc tập trận là làm sâu sắc thêm hợp tác thân thiện, thực chất cũng như củng cố mức độ hợp tác chiến lược với quân đội các nước tham gia, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh việc tổ chức những cuộc tập trận ở Vostok không bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự mà Moscow đang tiếng hành ở Ukraine, và cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của tất cả nhân lực, trang bị, vũ khí cần thiết. Reuters cho biết, các cuộc tập trận có sự tham gia của Belarus, Tajikistan, Mông Cổ, Ấn Độ và Trung Quốc, dự kiến triển khai từ 30.8 đến 5.9, tại vùng Viễn Đông.
Khi Nga tổ chức các cuộc tập trận Vostok vào năm 2018, Mosocw đã mô tả quy mô là chưa từng có kể từ thời Liên Xô. Ước tình khoảng 300.000 binh sĩ tham gia cùng với 1.000 máy bay và trực thăng, 80 tàu chiến, và 36.000 xe tăng, thiết giáp và các phương tiện khác. Là nước lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận Vostok năm 2018, Trung Quốc cho biết họ đã cử 3.200 binh sĩ, cùng với hơn 1.000 vũ khí trang bị và 30 máy bay và trực thăng tới Nga.
Phản ứng trước thông tin về các cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tại cuộc họp báo ngày 17.8 cho biết: “Dù đây là những cuộc tập trận chung có sự tham gia của một số nước như Nga và Trung Quốc. Nhưng tôi nhận thấy hầu hết các nước liên quan cũng thường xuyên tham gia một loạt cuộc tập trận tương tự và trao đổi quân sự với Mỹ. Do đó, Washington không gán về bất kỳ ý nghĩa gì với việc họ can dự hoạt động này. Song, chúng tôi có thể thấy một mối quan hệ đang phát triển, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh, giữa Trung Quốc và Nga”.
Chuyên gia quân sự Matthieu Boulegue của Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) nói với Reuters rằng sự kiện này sẽ rất "thú vị" khi có thể quan sát sự thay đổi trong lực lượng Nga qua việc kiểm đếm số lượng các binh sĩ Nga và thiết bị vốn đã được triển khai, luân chuyển, ở Ukraine kể từ tháng 2.
“Binh sĩ, trang thiết bị từ quân khu miền Đông của Nga đã chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến tại Ukraine. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cần lưu ý xem họ có những gì để tiếp tục triển khai”, ông Boulegue nhận định.
Chuyên gia về Nga tại Đại học Georgetown, Angela Angela, cho biết các cuộc tập trận có khả năng được xem xét kỹ lưỡng để tìm ra các dấu hiệu về khả năng chiến đấu của Nga. “Thông điệp cuộc cuộc tập trận sẽ là, chúng tôi đã bị phương Tây chỉ trích và trừng phạt nhưng chúng tôi có một loạt các quốc gia khác là đối tác. Chúng tôi không bị cô lập”, bà Angela nói và lưu ý rằng tầm quan trọng cuộc các cuộc tập trận sẽ được nâng cao khi có sự tham gia của cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vào tháng 2 và các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây của Trung Quốc xung quanh Đài Loan, đã làm gia tăng căng thẳng quân sự trong năm nay và khiến cả Moscow và Bắc Kinh phải nhận nhiều chỉ trích từ Washington. Theo các nhà phân tích, thay vì là các đồng minh hiệp ước chính thức, Trung Quốc và Nga có vẻ liên kết chủ yếu vì lợi ích chung, bao gồm cả mong muốn kiểm tra sự thống trị toàn cầu của Mỹ.