Cà Mau chú trọng công tác chuyển đổi số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:36, 18/08/2022
Theo đó, năm 2022, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phát triển các cơ sở dữ liệu các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải. Cơ sở dữ liệu số hóa về hồ sơ lưu trữ (có hơn 400.000 trang tài liệu lưu trữ được số hóa vào phần mềm). Hiện hệ thống iOffice đã triển khai trên 655 cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có gần 11.000 tài khoản người dùng. Tổng số chữ ký số chuyên dùng hiện đang sử dụng tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh là 1.733, tăng 592 chữ ký số so với năm 2021.
Cà Mau đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia các nhóm thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực tư pháp, lao động thất nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tuyến. Đã triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa từ ngày 1.6 vừa qua. Trong đó, bao gồm việc số hóa 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong 8 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có phát sinh hồ sơ là 37% (chưa đạt so với mục tiêu của Chính phủ 80%). Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến chiếm gần 54% so với tổng số DVCTT quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh (đạt so với mục tiêu của Chính phủ 50%).
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đóng góp ý kiến vào dự thảo quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo; Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đối số tỉnh năm 2022. Đồng thời, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn còn tồn tại trong việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình, chiến lược của Chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban chỉ đạo chuyển đối số tỉnh Cà Mau, đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số đạt kết quả theo các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, đề án UBND tỉnh ban hành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số vào các hoạt động cơ quan, đơn vị địa phương đảm bảo phù hợp. Tăng cường khả năng kết nối liên thông tích hợp chia sẻ sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống thông tin.
Tăng cường sử dụng các văn bản điện tử, nhất là chữ ký số, hộp thư điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cập nhật tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, tuyên truyền rộng rãi để mọi người hiểu và tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số với tinh thần người dân là chủ thể, trung tâm. Đặc biệt, phổ biến các phần mềm, các ứng dụng cho người dân biết sử dụng hiệu quả, như dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám bệnh từ xa, sổ khám sức khỏe điện tử, khai thuế điện tử... Tổ chức tập huấn hướng dẫn Tổ công nghệ số cộng đồng đảm bảo thiết thực, chất lượng.