Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với Sóc Trăng về giảm nghèo cho hơn 51.000 hộ nghèo, cận nghèo
Sự kiện - Ngày đăng : 20:51, 18/08/2022
Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm trưởng đoàn, đã trao đổi với UBND tỉnh Sóc Trăng các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thoát nghèo; sự phân bổ, huy động vốn cho các dự án; hoạt động vay vốn và giải ngân vốn; công tác đưa người đi lao động ở nước ngoài; chuyển các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo sang hộ được trợ giúp thường xuyên, hộ bảo trợ xã hội; thúc đẩy bình đẳng giới trong sử dụng lao động nữ và các chính sách cho doanh nghiệp trong sử dụng lao động nữ; công tác phòng ngừa bạo lực gia đình trên cơ sở giới; công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ…
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sóc Trăng, tổng số hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, tỉnh có 22.120 hộ (tỷ lệ 6,64%). Trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer là 9.908 hộ (tỷ lệ 9,87%); hơn 29.400 hộ cận nghèo (tỷ lệ 8,83%, có trên 11.300 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Sóc Trăng đã vượt kế hoạch việc hỗ trợ nhà ở cho đối tượng hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở với 3.459/3.240 căn.
Đến năm 2025, Sóc Trăng nỗ lực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, trong đó hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 – 3%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer hàng năm từ 3 – 4%; giải quyết 6.000 lao động và đào tạo nghề cho 3.500 lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo…
Công tác bình đẳng giới, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV chiếm 42,8% (3/7 người); nữ tham gia HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 25% (13/52 người); nữ lãnh đạo chủ chốt tại UBND cấp tỉnh chiếm 25% (1/4 người); nữ lãnh đạo cấp sở, ngành và tương đương chiếm 15,63% (15/96 người).
Lĩnh vực kinh tế, lao động, tỷ lệ nữ làm công hưởng lương chiếm 47,88%; tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số chiếm 30,19%; tỷ lệ nữ lao động là người khuyết tật chiếm 47,9%... Nhìn chung, vai trò và vị trí của phụ nữ đã có chuyển biến tích cực, thu hẹp khoảng cách về giới, tạo đều kiện thuận lợi cho nữ giới phát huy khả năng và phát triển bản thân. Công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả với nhiều biện pháp ngăn ngừa.
Về công tác người cao tuổi, hàng năm Sóc Trăng tổ chức thăm, khám chữa bệnh miễn phí cho khoảng 28.600 lượt người, khám chữa mắt miễn phí cho hơn 23.600 lượt người; có 3.400 lượt người cao tuổi bị khuyết tật, di chứng chấn thương, tai nạn, tai biến, bệnh mạn tính được hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng; trợ cấp thường xuyên cho trên 28.300 người và trên 143.200 người được cấp thẻ BHYT…
Đến ngày 30.6, toàn tỉnh Sóc Trăng có gần 18.900 người khuyết tật, có trên 18.630 người được cấp thẻ BHYT; có 1 cơ sở giáo dục chuyên biệt nuôi dạy trẻ khuyết tật với 15 lớp, 144 học sinh. Từ 2011 đến nay, địa phương đã mở 10 lớp dạy nghề cho gần 200 người khuyết tật. Tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu việc làm phù hợp cho 215 người khuyết tật.
Tại buổi làm việc, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có chính sách đối với cán bộ nữ, công chức nữ theo quy định tại khoản 4, điều 14 của Luật Bình đẳng giới; có văn bản quy định chính sách, tạo điều kiện đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ trong công tác bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ kinh phí để đầu tư thực hiện các chương trình, dự án về bình đẳng giới…
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao công tác giảm nghèo của Sóc Trăng, đặc biệt là công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời đề nghị địa phương quan tâm, thống nhất và xác định rõ các văn bản để lộ trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững có hiệu quả. Đồng thời, bà Thúy yêu cầu Sóc Trăng tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh, thành khác trong việc ban hành chính sách về huy động các nguồn lực để thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.