Gần một nửa số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu xuất phát từ nguy cơ có thể ngừa trước

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:00, 19/08/2022

Trên thế giới, gần một nửa số ca tử vong vì ung thư là do các yếu tố nguy cơ gồm hút thuốc, uống rượu quá nhiều hoặc béo phì có thể phòng tránh được.

Nghiên cứu được công bố ngày 18.8 trên tạp chí The Lancet cho thấy 44,4% tổng số ca tử vong vì ung thư trong năm 2019 có thể là do các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được. 

"Theo hiểu biết của chúng tôi, nghiên cứu này đại diện cho nỗ lực lớn nhất từ trước cho đến nay để xác định gánh nặng toàn cầu của bệnh ung thư do các yếu tố nguy cơ gây ra", tiến sĩ Chris Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại Đại học Washington (Mỹ) cho biết. 

Nghiên cứu do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ đã phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố nguy cơ và ung thư từ việc sử dụng dữ liệu từ dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe.

Nghiên cứu đã thu thập và phân tích dữ liệu toàn cầu về tử vong và khuyết tật. Murray và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu tử vong và tàn tật do ung thư từ năm 2010 - 2019 trên 204 quốc gia, kiểm tra 23 loại ung thư và 34 yếu tố nguy cơ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra căn bệnh ung thư hàng đầu về số ca tử vong do rủi ro trên toàn cầu trong năm 2019 là ung thư khí quản, phế quản và phổi ở cả nam và nữ.

210707191802-lung-cancer-stock-super-tease-1100x570.jpeg

Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư do rủi ro đang gia tăng, tăng 20,4% trên toàn thế giới từ năm 2010 - 2019. Trên thế giới, vào năm 2019, 5 khu vực dẫn đầu về tỷ lệ tử vong do rủi ro là Trung Âu, Đông Á và Bắc Châu Mỹ, Nam Mỹ Latinh và Tây Âu.

"Những phát hiện này nhấn mạnh rằng một tỷ lệ đáng kể gánh nặng ung thư trên toàn cầu có tiềm năng phòng ngừa thông qua các biện pháp can thiệp nhằm giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ ung thư. Do đó, các nỗ lực giảm thiểu nguy cơ ung thư phải đi đôi với các chiến lược kiểm soát ung thư toàn diện bao gồm các nỗ lực hỗ trợ chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả", các nhà nghiên cứu chia sẻ. 

 Tiến sĩ William Dahut, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu trên đã xác định rõ ràng tầm quan trọng của việc ngăn ngừa ung thư nguyên phát và số lượng ung thư ngày càng tăng liên quan đến béo phì. "Việc mọi người sửa đổi lối sống có thể tránh được hàng triệu ca tử vong", ông Dahut nói. 

Ông Dahut cũng nói thêm rằng mặc dù việc sử dụng thuốc lá ở Mỹ ít hơn các nước khác, nhưng các ca tử vong vì ung thư do hút thuốc vẫn tiếp tục là một vấn đề lớn và tác động không cân đối đến một số bang tại nước này. 

Một nghiên cứu riêng biệt, được công bố vào đầu tháng 8 trên Tạp chí Ung thư Quốc tế, cho thấy tỷ lệ ước tính tử vong do ung thư trong năm 2019 do hút thuốc lá ở người lớn tuổi từ 25 - 79 dao động từ 16,5% ở bang Utah đến 37,8% ở bang Kentucky. Tổng thiệt hại được ước tính từ các ca vong do ung thư vì hút thuốc lá dao động từ 32,2 triệu USD ở bang Wyoming đến 1,6 tỷ USD ở bang California.

"Ngoài ra, không có gì làm lạ khi uống nhiều rượu cũng như sự gia tăng đáng kể của chỉ số BMI trung bình sẽ dẫn đến số lượng đáng kể các ca tử vong do ung thư có thể ngăn ngừa được. Cuối cùng, tầm soát ung thư đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao", ông Dahut nói thêm.

Trong một bài viết được xuất bản cùng với nghiên cứu mới trên tạp chí The Lancet, tiến sĩ Diana Safarti và Jason Gurney thuộc Cơ quan Kiểm soát Ung thư Te Aho o Te Kahu (New Zealand) đã viết rằng các yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa liên quan đến ung thư có xu hướng được định hình dựa trên sự nghèo đói.

"Nghèo đói ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như định hình lối sống của con người. Các biện pháp ngăn ngừa ung thư đòi hỏi nỗ lực phối hợp trong và ngoài ngành y tế bao gồm các chính sách cụ thể tập trung vào việc giảm tỷ lệ mắc ung thư, các yếu tố nguy cơ như sử dụng thuốc lá và rượu. Bên cạnh đó phải đảm bảo việc tiếp cận với các loại vắc xin ngăn ngừa ung thư, bao gồm cả viêm gan B và HPV", Safarti và Gurney cho biết. 

Đan Thuỳ