Thiếu giáo viên trầm trọng trước năm học mới
Giáo dục - Ngày đăng : 22:57, 19/08/2022
Trong chỉ thị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.
Các địa phương cần sớm thực hiện bổ sung giáo viên trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, cần chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các địa phương dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo quy định. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn ngoại ngữ và môn tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 3 đến hết lớp 12.
Được biết, năm 2022-2023 là năm đầu tiên môn học tiếng Anh và tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, thay vì tự chọn như trước đây. Và theo phản ánh của các địa phương thì những giáo viên này đang thiếu một cách trầm trọng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 3, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Thanh Hóa, Bình Phước, Hà Giang... Nhiều tỉnh đã phải điều động với các giáo viên dạy ở thành phố hoặc huyện về các nơi đang thiếu giáo viên ngay trong tỉnh với hy vọng sự cân bằng ở trường học, thực hiện được chương trình Giáo dục phổ thông mới. Với môn tin học, theo Bộ GD-ĐT để đủ mỗi giáo viên 1 trường thì cần bổ sung tới hơn 3.000 giáo viên tin học để dạy.
Ngoài nhiệm vụ bổ sung số giáo viên thiếu và nâng cao năng lực giảng dạy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu thêm một số nội dung khác gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GD-ĐT. Các Sở GD-ĐT chủ động phòng, chống và ứng phó với hậu quả của thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Để làm tốt công tác trên, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành và tăng cường công tác truyền thông về giáo dục.
Bộ trưởng GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường các nguồn lực đầu tư, nguồn lực xã hội hóa cho GD-ĐT, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. "Sớm trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023", Bộ trưởng nêu rõ trong chỉ thị.