Vụ thâu tóm ‘đất vàng’ ở Bình Dương: Thuộc cấp nói ‘chỉ là cái bóng’ của cựu Chủ tịch
Sự kiện - Ngày đăng : 17:02, 20/08/2022
Chiều 20.8, phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án “thâu tóm đất vàng” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) tiếp tục diễn ra phần tranh luận.
Vai trò phụ thuộc, hạn chế
Bào chữa cho bị cáo Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty 3/2), luật sư Phan Trung Hoài cho rằng sau khi có chủ trương chấp thuận của Tỉnh ủy Bình Dương, đáng lẽ Tổng công ty 3/2 phải rà soát và hoàn tất các thủ tục, cũng như các yêu cầu khác liên quan việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, theo luật sư Hoài, trên thực tế, Tổng công ty 3/2 đã thuê đơn vị thẩm định và được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận giá trị chuyển nhượng (xác định giá chuyển nhượng dự án theo phương pháp kiểm toán độc lập), dẫn đến bị coi là vi phạm pháp luật.
Do đó, khi đánh giá hành vi của các bị cáo, trong đó có Trần Nguyên Vũ, luật sư đề nghị cần xem xét thêm nhận thức và áp dụng pháp luật điều chỉnh liên quan đến mô hình quản lý, điều chỉnh quá trình góp vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng quyền sử dụng đất có những vướng mắc, bất cập nêu trên.
Ngoài ra, luật sư Hoài cho biết bị cáo Trần Nguyên Vũ cũng đã nhìn nhận trách nhiệm của mình khi bị quy buộc tham gia cuộc họp HĐTV, thống nhất chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú; và chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Như vậy, liên quan đến vai trò của Trần Nguyên Vũ trong việc thực hiện chủ trương qua Nghị quyết của HĐTV, được Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận về việc chuyển nhượng 30% vốn của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú, luật sư Hoài nhận thấy vai trò của bị cáo Vũ là phụ thuộc, hạn chế.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Trần Nguyên Vũ 12 – 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 12 – 13 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hình phạt từ 24 – 26 năm tù.
Vai trò giúp sức không đáng kể
Trong vụ án này, ngoài cặp vợ chồng Nguyễn Đại Dương và Nguyễn Thục Anh (con rể và con gái của bị cáo Nguyễn Văn Minh – cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2) phải hầu tòa, thì còn có cặp vợ chồng bị cáo Võ Hồng Cường (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hưng Vượng) và Trần Đình Như Ý (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển).
Theo đó, cặp vợ chồng Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý đều bị Viện KSND tối cao truy tố về tội “Tham ô tài sản”. Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Cường từ 6 – 7 năm tù; bị cáo Như Ý từ 3 – 4 năm tù theo đúng tội danh truy tố.
Bào chữa cho cặp vợ chồng trên, luật sư Nguyễn Văn Tú nhất trí với kết luận vai trò “đồng phạm giúp sức” của 2 bị cáo Võ Hồng Cường, Trần Đình Như Ý của VKS.
Theo luật sư Tú, xét ở giai đoạn hình thành, khởi xướng ý tưởng phạm tội, chỉ có một mình bị cáo Nguyễn Văn Minh, tất cả các bị cáo còn lại trong đó có cả Võ Hồng Cường và Trần Đình Như Ý không có vai trò gì. Trong vụ án đồng phạm này, xét từ khía cạnh hành vi, vai trò giúp sức của họ cho nhóm bị cáo bên trên là thứ yếu, không đáng kể.
Cụ thể, Hồ sơ thể hiện từ năm 2015-2019, bị cáo Nguyễn Thục Anh và Như Ý chỉ là đứng tên hộ. Bị cáo Minh có quyền tuyệt đối là 59,1% cổ phần; bị cáo Cường chỉ nắm giữ 17,1%.
Về quan hệ quản lý, theo luật sư, ở giai đoạn tháng 12.2015 - tháng 5.2019, bị cáo Minh giữ chức danh quản lý cao nhất là Chủ tịch Công ty, đại diện pháp luật, bị cáo Cường không giữ chức danh cao và là nhân viên, thuộc cấp của bị cáo Minh. Như phân tích trên, các hành vi phạm tội xảy ra vào thời gian từ 2017 đến cuối năm 2018, đây là giai đoạn bị cáo Cường không có vai trò quyết định tại Công ty Hưng Vượng, mà là cổ đông nhỏ, là nhân viên, thuộc cấp.
Ngoài ra, luật sư Tú cũng cho biết Trần Đình Như Ý không có công việc tại Công ty Phát Triển, Công ty Hưng Vượng và cũng đứng tên hộ chồng. Tương tự như Nguyễn Thục Anh không có công việc tại Công ty Phát Triển, Công ty Hưng Vượng mà chỉ đứng tên hộ ba (ông Nguyễn Văn Minh – PV).
Theo luật sư, quá trình điều tra vụ án, bị cáo Cường đã sử dụng thuật ngữ mình chỉ là “cái bóng” của ông Minh.
Liên quan đến số tiền tham ô là hơn 815 tỉ đồng, luật sư chỉ ra rằng các bị cáo Thục Anh, Như Ý, Hồng Cường thực tế không hưởng lợi. Ba bị cáo rõ ràng từ đầu đến cuối đều không có ý định tham ô. Ngoài ra, vợ chồng bị cáo Hồng Cường – Như Ý đã có ý thức tích cực khắc phục hậu quả ngay từ khi vụ việc được phát hiện.