Bến Tre: Tái hiện nữ tướng Nguyễn Thị Định qua chương trình nghệ thuật “Có phải người còn đó”
Văn hóa - Ngày đăng : 22:10, 20/08/2022
Đến dự, thưởng thức chương trình có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, đại diện các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bến Tre qua các thời kỳ cùng đông đảo nhân dân tỉnh Bến Tre.
Chương trình nghệ thuật sân khấu đặc biệt “Có phải người con đó” thời lượng 120 phút với nhiều loại hình: kịch, ca cảnh, cải lương, thoại với sự góp mặt của các nghệ sĩ, diễn viên đến từ TP.HCM. Nội dung chương trình nhằm tái hiện lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp, nhất là làm nổi bật các hoạt động cách mạng gian khổ đầy sự hy sinh, mất mát của nữ tướng - người phụ nữ huyền thoại, tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Bến Tre nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, thể hiện tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đồng thời, chương trình cũng thể hiện sự tiếp nối truyền thống trong xây dựng quê hương Bến Tre hôm nay.
Phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật này, ông Lê Đức Thọ, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhấn mạnh: "Chương trình nghệ thuật đặc biệt này nhằm tuyên truyền, khơi dậy tinh thần cách mạng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bến Tre. Từ đó, ra sức thi đua đoàn kết, xây dựng tỉnh Bến Tre ngày càng văn minh, giàu đẹp, sớm thực hiện thành công khát vọng của tỉnh. Thay mặt chính quyền, nhân dân tỉnh Bến Tre, tôi ghi nhận và chân thành cảm ơn những tình cảm, sự tâm huyết, góp sức của các tập thể, các cá nhân, các nghệ sĩ, đạo diễn chương trình đã dành cho tỉnh Bến Tre, chương trình sân khấu thực cảnh rất có ý nghĩa".
Bà Nguyễn Thị Định, thường gọi là cô Ba Định, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1920, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1936, bà tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và khi mới 16 tuổi đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), có mặt trong Khởi nghĩa Nam kỳ tại Bến Tre 1940. Bà là người phụ nữ đầu tiên của Đoàn cán bộ Nam Bộ vượt biển ra Bắc gặp Trung ương và Bác Hồ, báo cáo tình hình tỉnh Bến Tre, Khu 8 trong buổi đầu kháng chiến, chở vũ khí vượt biển về miền Nam mở màn cho “Đường Hồ Chí Minh trên biển” ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, bà Nguyễn Thị Định được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre bí mật, rồi giữ chức Phó Bí Thư Tỉnh ủy Bến Tre, là người lãnh đạo, là linh hồn của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960 là người chỉ huy của “Đội quân tóc dài” Bến Tre .
Đầu năm 1960, sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi, bà Nguyễn Thị Định được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, tiếp theo là Khu ủy viên Khu 8, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng, được cử tham gia Quân ủy Miền, giữ chức Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Năm 1974, bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm thiếu tướng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Bà mất ngày 26 tháng 8 năm 1992 tại TP.HCM. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, Đảng, Nhà nước đã truy tặng Bà danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.