Đức vừa khoe thành tích “chịu đòn” thì “đòn mới” từ Nga sẽ làm Đức khó gượng kịp

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:40, 21/08/2022

Theo The Local, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức hôm thứ năm cho biết nước này gần như chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt khi đối mặt với sự siết chặt nguồn cung của Nga.

Ngày 14.8, nhóm GIE đại diện cho các công ty điều hành cơ sở hạ tầng khí đốt ở châu Âu công bố số liệu khiến người dân Đức hết sức an tâm, phấn khởi. Theo đó, các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã đầy trên 75% vào ngày 12.8, đạt mục tiêu sớm 2 tuần so với kế hoạch.

Trước đó, Đức đặt mục tiêu đạt mức dự trữ 75% vào ngày 1.9; các mục tiêu tiếp theo là 85% vào ngày 1.10 và 95% vào ngày 1.11, nhằm góp phần giúp nước Đức tránh được một cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa Đông trong bối cảnh châu Âu quyết đấu năng lượng với Nga.

Người Đức có lý do để lạc quan với thành tích trong mục tiêu thứ nhất. Thế nhưng sau đó thì sao?

Trang The Local phiên bản Đức hôm thứ 5 trích lời của Klaus Mueller, chủ tịch của Cơ quan Mạng Liên bang phát biểu: “Tôi không tính đến việc chúng tôi đạt được các mục tiêu dự trữ tiếp theo nhanh chóng như mục tiêu đầu tiên.

Ông cho biết mục tiêu tiếp theo - 85% công suất vào ngày 1.10 "không phải là không thể nhưng chắc chắn là rất tham vọng". Cụ thể, Mueller cho biết: “Chúng tôi thiếu hụt mức trung bình 95% vào ngày 1.11 trong tất cả các dự báo của mình” , đồng thời nói thêm. “Khó có cơ hội đạt được điều đó vì một số kho lưu trữ bắt đầu ở mức rất thấp”.

Trong tình trạng cái khó bó mọi cái, Mueller cảnh báo các công dân của nền kinh tế hàng đầu châu Âu rằng sẽ không có giải pháp thay thế nào ngoài tiết kiệm năng lượng.

Ông nói: “Đó không chỉ là một mùa đông mà ít nhất là hai mùa đông. Và mùa đông thứ hai có thể còn khó khăn hơn. Chúng ta phải tiết kiệm rất nhiều xăng trong ít nhất một năm nữa. Nói một cách rõ ràng: sẽ có ít nhất hai mùa đông căng thẳng".

Ông cho biết tình trạng thiếu hụt trong những tháng lạnh giá 2022-23 là "có thể xảy ra" ở một số vùng. Cụ thể là: “Sự thiếu hụt lúc đầu có thể chỉ là tạm thời và sau đó có thể dừng lại hoặc lặp lại nhiều lần”.

Đức phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga và lượng khí đốt giao hàng đã giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng về cuộc chiến Ukraine. EU cáo buộc Moscow sử dụng năng lượng như một "vũ khí" trong cuộc xung đột. Nhưng cũng phải nhắc lại rằng các khoản thanh toán khí đốt cho Nga bị EU “chơi” bằng cách giam lại ở ngân hàng, không cho chuyển về Nga nên dẫn đến bị Nga “chơi” lại bằng cách bắt trả bằng đồng rúp để buộc các khách hàng phải đến ngân hàng Nga bỏ ngoại tệ ra mua rúp. EU tố Nga vi phạm hợp đồng trong thanh toán thì Nga lách lại bằng việc đổ cho yếu tố kỹ thuật bất khả kháng nên đành phải giảm lượng khí đốt chuyển sang châu Âu.

Sau khi nguồn khi đốt giảm xuống 40% công suất của đường ống Nord Stream 1vào hồi giữa tháng 6 thì Nga đã bóp nguồn cung xuống 20% ​​vào cuối tháng 7. Tất cả lý do đều là tua bin trục trặc chưa có đồ thay thế do tuabin nằm trong danh sách phương Tây trừng phạt không chuyển lại cho Nga…

Có thể thấy việc Nga cắt giảm công suốt liên tục nhưng Đức vẫn đạt được 75% trữ lượng là nỗ lực vượt bậc. Nhưng như theo Klaus Mueller, nỗ lực đó giống như lò xo đã bung hết cỡ và khó bung thêm nữa. Trong bối cảnh Đức hướng tới ngày 1.10 đạt được 85% dự trữ khí đốt thì Nga lại vừa ra đòn mới theo chiêu thức cũ.

putin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chờ mùa đông tới

Gazprom cho biết từ ngày 31.8-2.9, thiết bị nén khí còn vận hành duy nhất của hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sẽ được tiến hành bảo trì định kỳ cùng hãng Siemens và trong thời gian này sẽ không có khí đốt vận chuyện từ Nga tới châu Âu.

Nếu bình thường việc nghỉ bảo dưỡng 3 ngày không phải là điều gì to tát nhưng phía Nga còn thòng thêm là trong trường hợp không bị lỗi kỹ thuật, hệ thống sẽ vận hành trở lại sau thời gian bảo trì, đảm bảo việc vận chuyển với công suất 33 triệu m3 khí/ngày, tương đương 20% công suất thực tế của đường ống. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu có lỗi kỹ thuật thì sao? Việc vận chuyển khí đốt sẽ dừng đến bao giờ. Và nếu dòng khí không chịu chảy đúng tiến độ thì Đức sẽ lấy gì để bù đắp cho hoàn thành mục tiêu vào 1.10 và 1.11.

Điều có thể thấy trước là hóa đơn năng lượng đối với các hộ gia đình Đức dự kiến ​​sẽ tăng cao trong mùa đông tới trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt năng lượng được cho là sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế Đức.

Anh Tú (dịch)